Từ cuối tháng 11 đến nay, hàng trăm hộ dân sống quanh dự án Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát - Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bức xúc với chủ đầu tư. Bà con cho rằng, hoạt động của Nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường, làm cây cối, hoa màu héo rũ, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Ống khói xả thải của Nhà máy thép Hòa Phát- Dung Quất. (Hình ảnh do người dân cung cấp)

Theo phản ánh của người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì nhiều cây trồng và hoa màu của người dân bị vàng úa, héo khô. Từ ngày 27/11 đến nay, nhiều cây trồng và hoa màu bị héo rũ, chết dần.

Ông Lê Xuân ở thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận cho rằng, tối 25/11, Nhà máy Thép Hòa Phát - Dung Quất hoạt động, xả khói thải đen kịt kèm mùi khét khó chịu. Nhiều người đã kéo đến trước cổng nhà máy đề nghị Công ty Thép Hòa Phát - Dung Quất giải thích có phải đây là nguyên nhân làm nhiều cây trồng chết khô?

"Thời gian từ 12h đến 1h đêm, nhà máy xả ra mùi hôi thối, dân chịu không nổi. Bụi kèm tiếng ồn, đêm hôm ồn nhiều hơn. Lò lên lửa khói đen nghi ngút", ông Xuân nói.

Người dân cho rằng cây bị héo rũ do ảnh hưởng từ hoạt động của nhà máy.

Ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền địa phương cùng đại diện Công ty Thép Hòa Phát - Dung Quất đã đi kiểm tra thực tế. Qua đó ghi nhận có hiện tượng cây trồng và hoa màu bị khô héo. Chính quyền địa phương đề nghị bà con bình tĩnh chờ làm rõ nguyên nhân, tránh tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.

"Người dân yêu cầu giải thích hiện tượng đó như thế nào và nguyên nhân vì đâu. Có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không và ai là người chịu trách nhiệm", ông Vương cho hay.

Bà Trần Thị Hạ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, Trung tâm Quan trắc Môi trường Dung Quất và UBND huyện Bình Sơn đã tiến hành khảo sát thực tế, ghi nhận có hiện tượng cây cối và hoa màu xung quanh Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất bị chết.

Hàng trăm hộ dân sống xung quanh Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất lo lắng vì cây cối bị héo rũ.

Theo bà Trần Thị Hạ Vũ, ngày 4/12, Đoàn công tác của Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, thuộc Tổng Cục môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành khảo sát thực địa và lấy mẫu kiểm nghiệm, xác minh thông tin ô nhiễm môi trường theo phản ánh của người dân địa phương.

"Hiện tượng rụng lá không theo một vạt lớn mà lại rụng từng chòm. Nhận thấy đây cũng là hiện tượng bất thường, chưa xảy ra bao giờ. Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng đã có báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường để khảo sát. Đoàn khảo sát đang tiến hành kiểm tra tiếp.

Người dân cũng phỏng đoán nghi ngờ do hoạt động của nhà máy thép Hòa Phát, do vậy tổ kiểm tra sẽ có phương án xác định, kiểm tra lại quy trình vận hành của nhà máy như thế nào, có đúng như vậy hay không", bà Vũ cho hay.

Đoàn Công tác của Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây nguyên khảo sát thực địa, lấy mẫu kiểm nghiệm tìm nguyên nhân.

Theo ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất hoạt động dưới sự giám sát của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi Trường. Hệ thống quan trắc tự động của nhà máy cũng được đấu nối dữ liệu về Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Ngãi để theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Ông Hồ Đức Thọ thừa nhận, việc người dân nhiều lần tụ tập phản đối hoạt động của Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất và đề nghị làm rõ nguyên nhân của hiện tượng cây cối, hoa màu bị chết để xác định trách nhiệm thuộc về ai.

"Chúng tôi cũng không hiểu vì sao, cây cối của bà con có hiện tượng rụng lá. Cần phải có kết luận chính xác. Nếu như do ảnh hưởng của Khu liên hợp Hòa Phát thì cũng cho chúng tôi biết để khắc phục toàn bộ", ông Thọ nói./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cocobay Đà Nẵng: Chuyển condotel thành chung cư, lối thoát an toàn cho khách hàng và chủ đầu tư

Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng nỗ lực tìm lối thoát hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng đã mua căn hộ condotel sau khi không thể thực hiện được việc chi trả thu nhập cam kết 12%/năm. Việc chuyển đổi căn hộ nghỉ dưỡng sang căn hộ chung cư (để ở) có phải là giải pháp tốt nhất lúc này?

Theo VOV/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vi-sao-dan-vay-nha-may-thep-hoa-phat--dung-quat-d112578.html