Vì sao người Hà Nội vẫn ưu ái bánh Trung thu truyền thống ?

28/09/2020 16:19

Kinhte&Xahoi Dù ngoài thị trường có vô vàn loại bánh Trung thu nhưng nhiều người Hà Nội vẫn ưu ái những vị bánh truyền thống đặc trưng, sẵn sàng xếp hàng cả tiếng đồng hồ chỉ để mua được một cặp bánh.

Cửa hàng bánh Trung thu truyền thống vẫn tập nập người mua.

Cô Trần Minh Thái (Thợ Nhuộm, Hà Nội) năm nào cũng mua đến hàng chục cặp bánh truyền thống để làm quà cho người thân trong gia đình. “ Ban đầu cô chỉ mua về cho gia đình ăn, rồi nhiều người thân dặn mua hộ làm quà, cô đã trở thành khách quen của tiệm bánh gia truyền này cũng đã 15 năm nay”.

Người tiêu dùng tin tưởng sử dụng bánh truyền thống trong nhiêù năm liền.

Một nhân viên ở cửa hàng cho biết: “Bánh Trung thu được bán bắt đầu từ tháng 7 âm lịch nhưng số lượng cũng không nhiều. Chỉ 2 tuần đổ lại trước Tết Trung thu thì ngày nào cũng cháy hàng. Nhiều khi cửa hàng không đủ bánh để bán vì làm thủ công không kịp đáp ứng”.

Mỗi ngày cửa hàng bán gần 1000 chiếc bánh Trung thu.

Dễ dàng thấy, vài năm trở lại đây, những loại bánh có hương vị độc, lạ xuất hiện nhiều trên thị trường thu hút người dùng. Hàng loạt hãng bánh nổi tiếng cho ra mắt các hương vị khiến người tiêu dùng tò mò. Giá cả cũng đa dạng không kém. Nhiều hộp bánh đắt đỏ có giá lên tới cả triệu đồng.

Giữa vô vàn các loại bánh độc đáo ấy bánh Trung thu nhân thập cẩm vẫn được coi là “linh hồn” của Tết Trung thu truyền thống. Và không phải ngẫu nhiên mà những người dân phố cổ Hà Nội ưu ái lựa chọn loại nhân bánh này để biếu tặng và thưởng thức.

Nhiều người vẫn lựa chọn bánh Trung thu nhân thập cẩm để thưởng thức và biếu quà

Chị Nguyễn Mai Hoa ( Lò Sũ, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ có đa dạng các loại nhân bánh. Nào thì bánh chay, bánh mặn, bánh thịt bò, bánh hoa quả,… tôi cũng mua về cho gia đình thưởng thức. Nhưng để mua thắp hương ông bà tiên tổ thì lúc nào tôi cũng ưu tiên bánh trung thu truyền thống. Đó không chỉ đơn giản để thưởng thức mà là văn hóa lâu đời của dân tộc ta”.

Anh Trần Tuấn Việt (Quản lý một cửa hàng bánh trên Phố Huế) cho biết: “Từng có thời gian người mua hàng thờ ơ với loại nhân bánh thập cẩm truyền thống. Nhưng năm nay chúng tôi đầu tư tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng và nghiên cứu để thay đổi hương vị sao cho phù hợp. Đến nay, vị bánh thập cẩm truyền thống chiếm 70% lượng bánh bán ra mỗi ngày. Mỗi cặp bánh bán ra với giá trung bình khoảng 120.000 đồng”.

Các cửa hàng luôn tuân thủ đeo khẩu trang nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe người dùng trong đại dịch COVID-19

Bánh Trung thu thập cẩm truyền thống có công đoạn chế biến khá kỳ công kể từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến sản xuất. Mỗi phần nhân trong chiếc bánh nhỏ được tạo nên bởi hàng chục thứ nguyên liệu khác nhau, bao gồm các loại hạt, các loại mứt, gia vị và các loại thịt thành phẩm.

Sự kì công trong các bước chuẩn bị nguyên liệu làm bánh Trung thu truyền thống.

Giữ vị truyền thống là giữ vị Trung thu, bởi vậy, dù cuộc sống có hiện đại thì những giá trị tốt đẹp vẫn luôn được gìn giữ. Với đa dạng các loại nhân bánh, năm nay, bánh Trung thu truyền thống vẫn là sản phẩm được lòng thực khách.

 Ngọc Linh - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đất đai chưa bao giờ “nguội”

Gõ cụm từ “Vi phạm luật pháp về đất đai” trên google, trong 0,42 giây được 61,4 triệu kết quả. Điều đó cho thấy, đất đai chưa bao giờ “nguội”.

Hà Nội đang thu hồi "đất vàng" 69 Nguyễn Du

Sau kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ, Hà Nội chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) đã cấp cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vi-sao-nguoi-ha-noi-van-uu-ai-banh-trung-thu-truyen-thong-d136324.html