Việt Nam dự kiến “mở cửa” đường bay quốc tế vào cuối tháng 7

29/06/2020 17:21

Kinhte&Xahoi Cục Hàng không Việt Nam cho biết có thể nghiên cứu khôi phục bay thương mại quốc tế vào cuối tháng 7/2020, tới các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng 30 ngày liên tục.

Việt Nam dự kiến “mở cửa” đường bay quốc tế vào cuối tháng 7

Trong báo cáo mới gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị các quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, khi các quốc gia cân nhắc làm thế nào để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì ý tưởng về “Travel bubble” - “di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển” đang trở nên hấp dẫn. Travel bubble được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công Covid-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển.

Tại Việt Nam, Cục Hàng không cho rằng có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020. Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục.

Theo Cục này, để duy trì và đảm bảo tính khả thi thì không nên hạn chế nguồn khách, bao gồm cả nguồn khách du lịch, tuy nhiên phải siết chặt điều kiện khách đảm bảo quy định được phép nhập cảnh và dứt khoát không chấp nhận khách quá cảnh.

“Khách phải ở quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay. Khách phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay” - Cục Hàng không nêu rõ điều kiện.

Ngoài ra, khách phải được xét nghiệm nhanh bằng bộ kit xét nghiệm SARS-CoV2 tại cảng hàng không đến của Việt Nam. Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xác định và có trả phí.

“Tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay” - Cục Hàng không Việt Nam đề xuất.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan ngoại giao các đối tác để thống nhất việc phối hợp kết nối hoạt động hàng không thường lệ trước khi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của đối tác để trao đổi các nội dung cụ thể để kết nối đường bay.

Mới đây, đề cập tới khả năng Việt Nam nối lại đi lại với các nước trong bối cảnh Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, căn cứ tình hình và nhu cầu của hai bên, Việt Nam đang trao đổi với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về việc từng bước nối lại đi lại.

Việc nối lại đi lại như thế nào sẽ dựa trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không được để lây lan dịch bệnh, trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia.

Theo thống kê, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 19,5% thì Hàn Quốc chiếm 23,1%, Đài Loan 7,7%, Hồng Kông 4,1% và Nhật Bản 6,8%. Các đường bay quan trọng này nếu được khôi phục chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến khả năng phục hồi sau dịch của các hãng.

Về các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong trường hợp mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Cục Y tế - Bộ GTVT nhấn mạnh hành khách cần nghiêm túc thực hiện khai báo y tế điện tử khi check in hoặc tại nhà; đeo khẩu trang bắt buộc trong suốt thời gian làm thủ tục, trong chuyến đi và trong khu vực nhà ga; hạn chế giao tiếp, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay; hhử khuẩn phương tiện trong và ngay khi kết thúc chuyến bay.

Hành khách trên các chuyến bay quốc tế cần phải được kiểm tra thân nhiệt khi làm thủ tục hàng không và khi nhập cảnh, tùy đối tượng nhập cảnh sẽ có biện pháp cách ly phù hợp.

Châu Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh tra Bộ Xây dựng với những vụ lùm xùm

Thanh tra Bộ Xây dựng liên tiếp vướng phải những nghi vấn về công khai thông tin với việc ban hành kế hoạch thanh tra nhưng chọn cách công bố kết luận 'bí mật', rồi đến việc các cơ quan chức năng kiến nghị kỷ luật, xử lý nhiều cán bộ liên quan lùm xùm đến vụ đoàn thanh tra của Bộ này nhận hối lộ khi về thanh tra tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-du-kien-mo-cua-duong-bay-quoc-te-vao-cuoi-thang-7-20200629150309359.htm