Ruộng để hoang vụ Chiêm Xuân
Tại huyện Bình Xuyên, chủ trương dồn thửa đổi ruộng (DTĐR) đã được triển khai. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ lợi ích của việc DTĐR; Công khai, dân chủ, công bằng, mọi công việc liên quan đến DTĐR người dân đều biết và tham gia bàn bạc, thống nhất;
Việc DTĐR không được làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất của nông dân; Trong quá trình thực hiện phải kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Và theo kế hoạch, từ tháng 10/2018 đến hết tháng 12/2019, huyện phải thực hiện DTĐR tại 2 xã Phú Xuân và Tân Phong. Tuy nhiên tính đến thời điểm này công tác DTĐR vẫn chưa được hoàn thành và gặp nhiều bấp cập, hạn chế.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, thôn Can Bi 2, phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam, diện tích ruộng bị bỏ hoang vụ Chiêm Xuân năm 2020 của 3 thôn Can Bi 1, Can Bi 2 và Kim Thái là 502 mẫu ruộng của hơn 6.000 nhân khẩu và của gần 1.000 hộ dân. Trong khi đó, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã Phú Xuân khoảng 338ha với hơn 1.600 hộ dân và trên 7.300 khẩu. Đến vụ Mùa năm 2020, sau khi nhiều hộ dân đã nhận ruộng để kịp sản xuất, đến nay còn khoảng 500 hộ dân chưa nhận ruộng.
Như vậy, với năng suất trung bình khoảng 54 - 55 tạ/ha, diện tích ruộng bị bỏ hoang vụ Chiêm Xuân 2020 đã lên đến gần 1.000 tấn lúa. Hiện nay, việc chậm trễ trong giải quyết đơn thư, vướng mắc của những hộ dân chưa nhận ruộng, con số tổn thất về lúa có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi vụ Mùa 2020 kết thúc.
Việc không có thu nhập từ về sản lượng lúa trong vụ Chiêm Xuân và vụ Mùa ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây. Đặc biệt là việc mất thu nhập này lại diễn ra ngay sau đại dịch Covid-19, mức ảnh hưởng lại lớn hơn rất nhiều. Đồng thời, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, tiếp đó là tình trạng “ly nông, ly hương” có thể diễn ra.
Mặt khác, việc để hoang ruộng đất có thể dẫn đến tình trạng thoái hóa đất trồng lúa, làm giảm độ phì, mất cân bằng dinh dưỡng đất trồng lúa, hệ vi sinh vật trong đất bị thay đổi dẫn đến giảm năng suất lúa của vụ sau, thậm chí không trồng được lúa.
Người dân tập trung tại nhà văn hóa thôn Can Bi thảo luận về việc DTĐR
Theo Thông báo kết luận Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc số 06/TP-TTr, do thiếu công khai, dân chủ, bàn bạc thống nhất trong nhân dân từ các tiểu ban; Việc đấu thầu đất công ích của xã còn nhiều sai phạm; Các công trình san, gạt, đường, mương phục vụ DTĐR tiến độ còn chậm, chưa hoàn thành theo hợp đồng; Đất nông nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích và đặc biệt chưa kịp thời giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân nên đến nay, công tác DTĐR ở xã Phú Xuân vẫn chưa hoàn thành.
Điều đáng buồn là những bất cập trong việc DTĐR ở xã Phú Xuân gần như có cùng "công thức" với các xã Phú Đa, Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường) từng là điểm nóng về việc chậm giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân trong DTĐR dẫn đến “hết thời vụ” năm 2019.
Đã đến lúc công tác DTĐR tại Vĩnh Phúc cần có thêm những giải pháp mới, cần nâng cao công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dồn điền đổi thửa. Tuyên truyền sâu rộng đến người dân trong tỉnh về các kế hoạch DTĐR của chính quyền các cấp. Tăng cường công tác đối thoại, thành lập các đường dây nóng về DTĐR.
Bên cạnh đó, việc minh bạch trong thực hiện DTĐR phải được ưu tiên hàng đầu, cần để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Mặt khác cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng DTĐR để trục lợi; các trường hợp thiếu trách nhiệm trong DTĐR dẫn đến tình trạng để hoang ruộng đất./.
Nguyễn Tuân - Pháp luật Plus