VN-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp

13/11/2023 16:46

Kinhte&Xahoi Tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch phiên ngày 13-11, song đến buổi chiều, lực bán tăng khiến chỉ số VN-Index giảm xuống mốc 1.100 điểm, đánh dấu phiên thứ 2 liên tiếp đi xuống.

Diễn biến của chỉ số VN-Index phiên ngày 13-11.

Trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau mở cửa, thị trường đi lên nhưng sau đó có sự rung lắc đáng kể. Đặc biệt, thời điểm 10h15, chỉ số VN-Index hiện sắc đỏ. Sau đó, sức cầu tăng đã giúp thị trường có thời điểm tăng hơn 6 điểm, lên trên mức 1.107 điểm.

Về cuối phiên, sức cầu có phần chùng xuống đã khiến đà tăng của thị trường chậm lại. Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index dừng ở mức 1.104,83 điểm, tăng 3,15 điểm (0,29%); VN30-Index tăng 1,88 điểm (0,17%), lên mức 1.110,93 điểm.

Cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 283 mã tăng giá và 179 mã giảm giá. Tại nhóm VN30, số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2 lần số mã giảm (16 mã và 8 mã).

Chỉ số của hầu hết các ngành tăng, ngoại trừ nhóm ngân hàng, công nghệ, du lịch và giải trí. Cổ phiếu ngân hàng có tác động mạnh đến việc thị trường không thể tăng thêm khi SSB và VCB lấy đi lần lượt 0,46% và 0,42% của chỉ số VN-Index.

Sang phiên buổi chiều, lúc đầu thị trường duy trì đà tăng nhưng đến gần 14h, lực cung bắt đầu mạnh lên khiến thị trường đảo chiều giảm điểm, có lúc chỉ số VN-Index hạ hơn 7 điểm, xuống dưới mốc 1.100 điểm. Sau đó, về gần cuối phiên, sức cầu được cải thiện đã giúp chỉ số chung giảm chậm lại.

Khác với phiên buổi sáng là cổ phiếu tăng giá chiếm áp đảo, đến phiên chiều, lực cung mạnh hơn khiến cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế. Toàn sàn có 188 mã tăng giá, 321 mã giảm giá. Tại nhóm VN30, số cổ phiếu tăng - giảm giá cùng là 11 mã và 17 mã. Cổ phiếu ngành thép tiếp tục diễn biến khởi sắc nhưng một số mã không còn tăng tốt như phiên sáng, trong khi đó SMC duy trì mức tăng hết biên độ.

Tác động mạnh nhất đến sự đi xuống của thị trường là VHM khi mã này lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số VN-Index, tiếp đến là VCB, VPB, SSB, VNM, SAB.

Ở chiều ngược lại, với mức tăng 2,64%, HPG có tác động mạnh nhất trong việc hỗ trợ thị trường, tiếp đến là SSI, MWG, GAS, LGC, TPB…

Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức 1.100,07 điểm, giảm 1,61 điểm (-0,15%); VN30-Index hạ 2,33 điểm (0,21%), xuống mức 1.106,72 điểm.

Tổng giá trị chuyển nhượng trong phiên đạt hơn 16.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá nhiều. Khối này mua hơn 1.067 tỷ đồng và bán hơn 1.266 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, không giống như buổi sáng là các chỉ số đều đi lên, sang phiên chiều, sức cung gia tăng khiến các chỉ số tăng -giảm đang xen. Đóng cửa thị trường, HNX30-Index dừng ở mức 475 điểm, nhích 0,07 điểm (0,01%) trong khi HNX-Index hạ 0,54 điểm (-0,24%), còn 226,11 điểm. Tổng giá trị chuyển nhượng đạt 1.830 tỷ đồng.

 Hương Thủy - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cách nào gỡ khó cho tín dụng bất động sản?

Đến ngày 30-9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Thị trường bất động sản Việt Nam: Còn đối mặt với nhiều thách thức

Thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã đối mặt với không ít thách thức, rơi vào trạng thái trầm lắng, nguồn cung, thanh khoản đều suy giảm mạnh. Với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thị trường đã có những dấu hiệu cải thiện. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn còn đối mặt với không ít thách thức trong giai đoạn tới.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/vn-index-giam-phien-thu-2-lien-tiep-647834.html