Vụ phóng viên Đài truyền hình Hà Nội bị hành hung: Hai đối tượng sẽ bị xử lý thế nào?

08/06/2023 12:59

Kinhte&Xahoi Theo LS: Cơ quan điều tra tạm giữ hình sự đối tượng hành hung PV để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết, có căn cứ...

Ngày 8/6, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã quyết định tạm giữ hình sự Phạm Văn Phương (SN 1981, chủ cửa hàng quạt Khánh Phương, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) và Lê Văn Hưng (SN 1984, nhân viên cửa hàng) để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.

Đây là 2 đối tượng đã hành hung phóng viên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội vào ngày 6/6 khiến dư luận bức xúc.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra tạm giữ hình sự với hai người này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết, có căn cứ.

Trong quá trình tạm giữ, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan, xác định khả năng nhận thức điều khiển hành vi của những người này, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

"Đây là hành vi cản trở hoạt động báo chí, xâm phạm đến thân thể của phóng viên nhà báo, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan, xác định hậu quả đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật. Rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý đối với hai người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây rối trật tự công cộng", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Hai đối tượng hành hung phóng viên.

Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng Hình sự, đối với hành vi cố ý gây thương tích đòi hỏi phải có yêu cầu của người bị hại, trong trường hợp người bị hại có yêu cầu xử lý hình sự mà có tỷ lệ phần trăm thương tích xảy ra dù dưới 11%, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố hình sự để xử lý với những người đàn ông này bởi hành vi có thể được xác định là có tính chất côn đồ.

Trường hợp nạn nhân có yêu cầu xử lý hình sự và kết quả giám định thương tích cho thấy nạn nhân có thương tích thì dù tỷ lệ thương tích dưới 11%, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với hai người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự với chế tài là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự nhưng sự việc được xác định là gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan điều tra có thể sẽ vẫn khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý chủ cửa hàng quạt và nhân viên về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, chế tài là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.

PV của Đài Phát thành và Truyền hình Hà Nội bị hành hung.

Đối với phóng viên, nhà báo có quyền tác nghiệp theo luật báo chí, hành vi cản trở phóng viên nhà báo tác nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật; hành vi hành hung phóng viên, nhà báo là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng không những xâm phạm quyền tự do báo chí, xâm phạm thân thể công dân mà còn thể hiện thái độ coi thường pháp luật.

Bởi vậy, hành hung nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm minh bằng những chế tài của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp sẽ xử lý bằng chế tài hình sự.

Khoản 12, điều 9, Luật báo chí quy định hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như sau: "Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật".

"Dưới góc độ pháp lý, hành vi cản trở hoạt động nghề nghiệp báo chí là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhà báo, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải chịu chế tài của pháp luật", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 7/6, UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi Công an TP Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý thông tin phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình bị hành hung khi đang tác nghiệp.

Sự việc xảy ra vào lúc 14h25, ngày 6/6, khi nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chuẩn bị quay phóng sự về việc người dân đi mua sản phẩm quạt tích điện tại khu vực vỉa hè trước số 16 Đông Các, phường Ô Chợ Dừa.

Sau đó, một người nam giới đã ra yêu cầu không đươc quay phim. Hai bên lời qua tiếng lại và xảy ra xô xát.

Người này đã đấm, đá vào phóng viên quay phim của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Thấy phóng viên đang nằm dưới đất, thêm một nam giới khác tham gia hành hung.

Sau khi được mọi người can ngăn, hai người này đã bỏ đi. Nhóm phóng viên sau đó đã đến Công an phường Ô Chợ Dừa trình báo sự việc.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH phối hợp Công an phường Ô Chợ Dừa khẩn trương xác minh, làm rõ và triệu tập hai người được cho là đã hành hung phóng viên đến làm việc.

Tại cơ quan Công an, cả hai đã thừa nhận hành vi của mình.
 

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

 Duy Khương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/vu-phong-vien-dai-truyen-hinh-ha-noi-bi-hanh-hung-hai-doi-tuong-se-bi-xu-ly-the-nao-d194669.html