Vướng thủ tục, công nhân gặp khó khi thuê nhà

07/12/2023 11:23

Kinhte&Xahoi Từ lâu, tại khu nhà ở công nhân ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh) tồn tại một nghịch lý, đó là còn nhiều phòng trống nhưng công nhân không thuê được vì vướng thủ tục.

Sự mâu thuẫn này gây khó khăn cho cả người lao động, doanh nghiệp và đơn vị quản lý nhà ở công nhân.

Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh).

Hồ sơ bị trả lại do quy định bất cập

Năm 2007, Dự án thí điểm xây dựng nhà ở phục vụ công nhân tại xã Kim Chung được đưa vào sử dụng, mang lại hy vọng về chỗ ở mới cho hơn 10.000 lao động. Tuy nhiên, đến nay, dù còn hàng nghìn phòng trống nhưng nhiều công nhân vẫn không thuê được nhà ở vì vướng thủ tục.


Hiện nay, để được mua, thuê nhà ở công nhân, người lao động phải xuất trình các giấy tờ: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội... Quy định này khiến công nhân gặp khó khăn trong việc thuê nhà ở.


Chị Dương Thị Tuyến, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, là công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, dù có đơn nhưng chị không được xét duyệt đăng ký thuê nhà ở công nhân tại xã Kim Chung. Lý do là chị không có giấy chứng nhận chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình.

Tương tự, anh Nguyễn Tuấn Anh, quê ở tỉnh Phú Thọ, hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam cho biết, đơn đăng ký thuê nhà ở công nhân của anh bị trả lại do công ty chỉ có thể xác nhận hiện chưa có nhà ở tại xã Kim Chung, chứ không xác nhận về tình trạng sở hữu nhà của anh.

Còn anh Nguyễn Văn Lý, quê ở Tuyên Quang, làm việc tại Công ty TNHH Fujikin Việt Nam bị từ chối do công ty chỉ xác nhận anh đang làm việc và có tham gia bảo hiểm xã hội, chứ không xác nhận anh đã có nhà hay chưa.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI - Việt Nam Phạm Hải Hà cho biết, nhiều năm qua vẫn chưa có hướng dẫn nhất quán về quy trình xin giấy xác nhận về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập để đăng ký thuê nhà ở công nhân tại xã Kim Chung. Do đó, doanh nghiệp, chính quyền địa phương không có căn cứ xác nhận các điều kiện cần, đủ cho lao động. Từ đó, xuất hiện việc có doanh nghiệp ký xác nhận nhưng có doanh nghiệp không xác nhận.

Việc này cũng tương tự tại một số địa phương, có nơi xác nhận, nơi không. UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh) - nơi lao động ở tạm trú từ 1 năm trở lên cũng không xác nhận tình trạng sở hữu đất ở của công nhân do không đúng thẩm quyền. Vì vậy mới có tình trạng có công nhân được phê duyệt đủ điều kiện thuê nhà, có nhiều người lại buồn bã vì không được xác nhận.

Ngoài ra, một khó khăn khác là quy định công nhân phải có “hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn”. Trong khi đó, số lao động thuộc diện ký hợp đồng lao động dưới 1 năm rất nhiều. Do đó, công nhân không thể hoàn thiện hồ sơ xin thuê nhà theo quy định.

Sớm gỡ vướng mắc

Sự bất cập, thiếu hướng dẫn, cùng quy định gây khó nêu trên tạo bức tranh trái ngược tại nhà ở công nhân ở xã Kim Chung: Công nhân khó thuê nhà trong khi phòng trống tại khu nhà ở công nhân vẫn còn.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI - Việt Nam Phạm Hải Hà cho biết, công ty đã nêu khó khăn với Công đoàn cấp trên, mong muốn những vướng mắc nêu trên sẽ sớm được giải quyết để tạo điều kiện cho người lao động ổn định chỗ ở.

Nêu thực tế, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Đặng Trần Trung cho biết, một số trường hợp cá nhân, hộ gia đình xin thuê là công nhân làm việc tại các công ty trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long như: Canon, Nissei, Hoya, SEI… Các doanh nghiệp này thường chỉ xác nhận về nhân thân, bộ phận công tác, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, thuế… cho công nhân chứ không có chức năng xác minh, xác nhận công nhân có nhà hay chưa.

Theo ông Đặng Trần Trung, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thủ tục cho thuê nhà ở công nhân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cuối tháng 11-2023, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tiếp tục trình Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo thành phố để thành phố Hà Nội báo cáo Bộ Xây dựng tách riêng quy định về trình tự thủ tục cũng như hồ sơ hướng dẫn thuê nhà ở công nhân theo hướng rút gọn thủ tục nhưng vẫn tuân thủ theo quy định của Luật Nhà ở.

Dự án đầu tiên về nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc, kéo dài hơn 15 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có cách thức nào gỡ khó cho công nhân để họ có được chỗ thuê trọ phù hợp với túi tiền và hưởng những ưu đãi mà dự án mang lại. Mong rằng các đơn vị liên quan cần sớm có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tế. Từ đó giúp công nhân an cư, yên tâm làm việc.

Kim Vũ - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/vuong-thu-tuc-cong-nhan-gap-kho-khi-thue-nha-651216.html