Xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Không để phát sinh “điểm nóng”

08/01/2024 07:54

Kinhte&Xahoi Trong năm 2023, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, song vẫn để xảy ra những sai phạm mới, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Trong đó, vi phạm xảy ra ở loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini) đã gây hậu quả nghiêm trọng. Thành phố đã dồn tổng lực kiểm tra, rà soát và tiếp tục xử lý.

Các lực lượng chức năng kiểm tra việc tháo dỡ phần vi phạm tại chung cư mini My House, xã Tân Xã (huyện Thạch Thất).

"Điểm mặt, chỉ tên" những vi phạm nổi cộm

Vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) vào đêm 12, rạng sáng 13-9-2023 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Một lần nữa cảnh báo được gióng lên, những vi phạm trật tự xây dựng, không bảo đảm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất… trở thành mối quan tâm hàng đầu của thành phố.

Sau tổng rà soát, Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, trong đó nêu rõ, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 69.448 công trình, trong đó có 2.611 chung cư, 385 chung cư mini, 30.298 nhà trọ, 36.154 nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao. Lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm tra, rà soát 33.580 công trình.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2.294 công trình xây dựng sai phép, 7.326 công trình xây dựng không phép (thời điểm kiểm tra chủ hộ chưa cung cấp được giấy phép xây dựng). UBND các quận, huyện, thị xã đã xử lý 156 công trình vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 3 tỷ đồng.

Các quận, huyện như Đông Anh, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân… có nhiều công trình vi phạm. Một số công trình vi phạm nổi cộm, gây bức xúc dư luận như chung cư mini 9 tầng ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân), chung cư mini My House ở xã Tân Xã (huyện Thạch Thất)... đã được cơ quan chức năng chỉ rõ, chính quyền các địa phương đã, đang xử lý.

Liên quan đến chung cư mini My House với gần 200 căn hộ xây dựng sai phép, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho biết, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND các xã Tân Xã, Thạch Hòa và Bình Yên để khắc phục tồn tại, hạn chế. Cơ quan chức năng đã "cắt" phần mái, rà soát toàn bộ hồ sơ và quy trình thủ tục liên quan.

Xử lý các bộ phận, cá nhân buông lỏng quản lý

Thông tin chung về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2023, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết: UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 16.560 công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 416 trường hợp vi phạm (tỷ lệ 2,51%). Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 219/416 trường hợp (tỷ lệ 52,6%), đang tiếp tục giải quyết 197/416 trường hợp (tỷ lệ 47,4%). UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 906 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền hơn 23,7 tỷ đồng.

“Dù số quyết định xử phạt vi phạm hành chính giảm nhưng số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 1,86 lần so với năm 2022 do một số hành vi vi phạm đã tăng mức xử phạt, thậm chí gấp đôi theo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội”, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng nhận định, các vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Một số địa bàn không phát sinh vi phạm như các quận, huyện: Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa hoặc có tỷ lệ công trình có vi phạm thấp như: Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phú Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn.

Là địa bàn có tỷ lệ công trình vi phạm thấp, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin, UBND 14 phường thường xuyên kiểm tra các công trình đang có hoạt động xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, chậm thông báo khởi công với tổng số 91 trường hợp, phạt tiền 395 triệu đồng. “Trên địa bàn quận còn xảy ra một số vụ việc vi phạm, nhưng về cơ bản quận đã có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời, không để tạo thành điểm nóng”, ông Tạ Nam Chiến chia sẻ.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố, việc quản lý trật tự xây dựng chưa đồng đều. Nguyên nhân là chưa kiểm soát chặt chẽ công trình xây dựng, để xảy ra sai phạm gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, điển hình là vi phạm tại các “chung cư mini”. Đặc biệt ở các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh như các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm, Mê Linh…, tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng đang ở mức cao.

Để ngăn chặn tình trạng công trình vi phạm trật tự xây dựng trong năm 2024, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cho rằng, giải pháp tốt nhất vẫn là tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Mục tiêu phấn đấu là phải kiểm soát 100% công trình xây dựng, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay từ khi phát sinh, cũng như xử lý nghiêm bộ phận, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Hồng Anh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ì ạch dự án Khu thương mại Amata

Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, có nhiều ý kiến phản ánh hiện nay quỹ đất của Đồng Nai để xây dựng các khu kinh tế đang thiếu, nhất là những khu đất sạch có diện tích từ 20 ha trở lên. Thế nhưng hiện, ngay tại trung tâm TP Biên Hòa có một khu đất vàng rộng gần 20 ha được phê duyệt triển khai dự án Khu thương mại từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa xong đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến dư luận bức xúc.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/xu-ly-vi-pham-trat-tu-xay-dung-khong-de-phat-sinh-diem-nong-655235.html