Xuân về, nhớ thơ chúc Tết của Bác Hồ…

24/01/2020 22:00

Kinhte&Xahoi Xuân Canh Tý đang về trên dải đất hình chữ S xinh đẹp của chúng ta, mở ra những niềm vui và vận hội mới. Đặc biệt, những ngày Tết cổ truyền năm nay trùng với một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, của dân tộc ta: Đó là Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2020).

Tết đến Xuân về trong triệu trái tim của con dân nước Việt thêm biết ơn Đảng và nhớ Bác Hồ. “Đảng đã cho ta một mùa xuân hy vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi…”

Trên phố thênh thang chiều cuối năm, nghe trong gió xuân một bài hát cũ mà xúc động bồi hồi nhớ những vần thơ chúc Tết của Bác: “Ôi nhớ chiều 30 Tết/ Chen giữa đào hoa tươi thắm/ Thành phố đông vui, chờ đón Tết niên, là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người… Trọn niềm tin!”

Nhiều thế hệ người Việt nói chung, đặc biệt người Hà Nội luôn thấy bồi hồi nhớ cái cảm giác thiêng liêng trang trọng của thời khắc đón giao thừa, hồi hộp, xúc động chờ nghe những thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mừng Đảng quang vinh 90 mùa hoa, mừng Xuân Canh Tý 2020  

Với mỗi người Việt Nam, Tết đến Xuân về, nhất là phút giao thừa luôn là thời khắc thiêng liêng. Mọi người thường dành cho nhau lời chúc phúc, lời chúc may mắn vẹn toàn trong năm mới. Là Chủ tịch nước, dù bộn bề với những trọng trách cao cả, lớn lao nhưng Bác vẫn không quên dành lời chúc Tết đến đồng bào và chiến sĩ cả nước bằng những vần thơ xuân tình cảm trân trọng, dạt dào. Người cũng không quên gửi quà, biếu lụa những vị cao niên, lão thành như lời một bài hát: “Bác thương các cụ già, Xuân về đem biếu lụa…” 

Thơ chúc Tết của Bác thường giản dị dễ hiểu, tự nhiên, gần gũi như cách nói khiêm tốn của Người trong bài thơ Mừng xuân năm 1964:

“Mấy lời thân ái, nôm na,

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.”

Mừng Đảng quang vinh 90 mùa hoa, mừng Xuân Canh Tý 2020  

Ngoài nghi thức chúc tết truyền thống, thơ chúc tết của Bác bao giờ cũng mang đến thông điệp hết sức cô đọng những nhiệm vụ cách mạng theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể và tiên cảm trước những thắng lợi, thành công của đất nước. Trong bài thơ chúc Tết năm 1961, Người viết:

“Mừng năm mới, mừng xuân mới

Mừng Việt Nam, mừng thế giới!

Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi…”


Hay như bài thơ chúc Tết Xuân 1967, năm trước chúng ta chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân Mậu Thân 1968, những vần thơ của Người như có sức mạnh truyền lửa đến triệu triệu trái tim một niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc: 

“Xuân này xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta 
 
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi 

Tin mừng thắng trận nở như hoa!”


“Bài ca chúc Tết năm 1969” với những vần thơ hào hùng như một lời hịch chiến thắng, thể hiện quyết tâm vững vàng của toàn dân tộc: 

 “Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to!

Vì độc lập, vì tự do 

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào 

Tiến lên chiến sĩ đồng bào!

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!”

Với nhiều người dân Việt Nam thời bấy giờ, thơ chúc Tết của Bác còn tựa như một lời tiên tri về tiền đồ đất nước, vận mệnh dân tộc. Quả đúng như vậy, những vần thơ chúc Tết xuân 1969 hàm chứa thông điệp tiên tri khi ai ai trong chúng ta đọc đều cảm nhận rất rõ mùa Xuân chiến thắng, mùa Xuân sum họp thống nhất đất nước đang đến rất gần. 

Chỉ tiếc rằng Bác kính yêu của chúng ta đã ra đi trước ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc, dù Người đã tiên đoán được ngày thống nhất non sông một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà.

Trong bản Di chúc - Hồ Chí Minh ngày 10 tháng 5 năm 1969, Người thể hiện tâm nguyện của mình: "... Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". 

Xuân này là hơn nửa thế kỷ chúng ta thực hiện Di chúc của Người. Cũng đã hơn 50 mùa Xuân chúng ta không được nghe thơ chúc Tết của Bác...

Nhưng trong tâm tưởng của mình toàn dân, toàn quân ta vẫn luôn có hình ảnh, lý tưởng của Người soi sáng và chúng ta luôn nhớ mãi những bài thơ xuân của Bác Hồ...


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Phá dỡ Công viên nước Thanh Hà

Khoảng hơn 100 người được huy động cùng nhiều máy móc để phá dỡ 19 hạng mục của công viên, bao gồm cầu trượt nước, bể tạo sóng, đài phun nước, nhà điều hành, cổng chính...

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/xuan-ve-nho-tho-chuc-tet-cua-bac-ho-d115751.html