Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng... ngược chiều thế giới

10/08/2019 08:53

Kinhte&Xahoi Kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định dù nhiều quốc gia khác có xu hướng giảm mạnh. Dự kiến, để đảm bảo mục tiêu kim ngạch XK, trong 5 tháng tới, XK phải đạt 23,2 - 23,4 USD/tháng. Nhiệm vụ này có khả thi?

Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu giảm mạnh ở nhiều quốc gia

Theo ước tính, đến hết tháng 7 năm 2019, kim ngạch XK ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, đã có 24 mặt hàng XK đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ năm 2018. Những mặt hàng chủ lực đều tăng cao như gỗ và sản phẩm gỗ tăng 32,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 77,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 81,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 52%.

Đại diện của Bộ Công Thương cho biết, mức tăng trưởng của 7 tháng qua tuy có phần chậm lại nhưng kết quả XK của Việt Nam cũng được coi là tích cực nếu so sánh với kết quả XK của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do kim ngạch XK của các nước hầu hết đều giảm hoặc chỉ đạt mức tương đương so với cùng kỳ. 

Theo số liệu từ Trung tâm thương mại thế giới, XK của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 tăng 0,1% so với cùng kỳ; của Brazil giảm 3,5%. Các nước trong khu vực ASEAN mới chỉ cập nhật số liệu 4-5 tháng của năm 2019, nhưng nhìn chung đều có sự giảm sút về giá trị XK. Ví như Thái Lan, sau 5 tháng giảm 3,1%. Được biết, Chính phủ Thái Lan đang xin điều chỉnh mục tiêu phấn đấu tăng trưởng XK từ 6% xuống mức 0%; Singapore cũng giảm 3,3% sau 5 tháng; Malaysia, Indonesia lần lượt giảm 4,7%; 8,7% sau 4 tháng.

Báo cáo mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng năm 2019 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018; cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khác với trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước trong 7 tháng đầu năm 2019 không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp như như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo... 

Báo cáo cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, XK sang các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng như XK sang Nhật Bản tăng 8,9%; Hàn Quốc đạt tăng 4,7%; ASEAN tăng 5,6%. Đặc biệt, các thị trường trong khối CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương) vừa có hiệu lực thực thi từ đầu năm 2019 cũng tăng trưởng tốt như Canada tăng 32,9%; Mexico tăng 23,43%.

Lo lắng cho xuất khẩu nông sản

Trong 7 tháng đầu năm 2019, có tới 6/9 mặt hàng XK chính trong nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch XK giảm là thủy sản giảm 1,9%, rau quả giảm 0,3%, hạt điều giảm 11%, gạo giảm 14%, cà phê giảm 18,7% và sắn giảm 12,7%. Kim ngạch XK của nhóm hàng nông sản, thủy sản 7 tháng đầu nămgiảm đến 1,22 tỷ USD do tác động giảm giá, trong khi tác động tăng về lượng XK chỉ giúp tăng 288 triệu USD.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, có nhiều nguyên nhân làm XK nông sản, thủy sản giảm như tình trạng cung vượt cầu, tồn kho của thế giới ngày càng lớn kéo giá XK giảm; Tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tới XK sang thị trường Trung Quốc và cả một số thị trường khác khá rõ ràng.

Cụ thể, XK sang Trung Quốc 6 tháng năm 2019 chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3%. XK sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu (NK) của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ-Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối kéo theo yếu về sức mua. 

Tuy có nhiều bất lợi và xuất hiện thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 7 tháng, Việt Nam vẫn giữ được xuất siêu với mức thặng dư thương mại đạt 1,79 tỷ USD dù kim ngạch NK 7 tháng qua ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018. 

NK chủ yếu ở các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm cần NK phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, kim ngạch NK nhóm hàng cần kiểm soát 7 tháng đầu năm 2019 tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018. Theo lý giải của Bộ Công Thương, kim ngạch tăng mạnh của nhóm hàng này là do NK ô tô dưới 9 chỗ ngồi và linh kiện phụ tùng ô tô tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, để đạt được mức tăng trưởng so với kịch bản đề ra và giữ được mức xuất siêu năm thứ 3 liên tiếp thì từ nay tới cuối năm, bình quân XK phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD/tháng. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, dù đến thời điểm này kim ngạch XK thiếu hụt 1 tỷ USD theo kịch bản đề ra nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng XK từ 7%-8% mà Quốc hội đã giao.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vợ, con Phó Chánh án Tòa án TP Ninh Bình gom đất, xây nhà trái phép

Xây dựng công trình trái phép trên diện tích hàng nghìn m2 đất công, mua gom hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp để đào ao, làm trang trại…, chủ doanh nghiệp Gia Huệ (Ninh Bình) là người nhà Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Ninh Bình bị chính quyền xã Mai Sơn (Yên Mô) nhiều lần lập biên bản, xử phạt…

Bác đề xuất ưu đãi đầu tư cho dự án sân golf của tỉnh Lào Cai

Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai đối với dự án sân golf Lào Cai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định căn cứ các quy định hiện hành dự án này không thuộc đối tượng được áp dụng ưu đãi đầu tư.

Nguồn: Pháp luật Plus