159 ca mắc sốt xuất huyết: Hà Nội tăng cường biện pháp phòng dịch

22/06/2021 17:13

Kinhte&Xahoi Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết (SXH).

 Sở Y tế Hà Nội kiểm tra tình hình sốt xuất huyết tại địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hà Linh

Từ đầu năm 2021 đến nay, TP Hà Nội đã ghi nhận 159 trường hợp mắc SXH, dịch SXH có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây, tại một số địa phương đã xuất hiện các ổ dịch số mắc lớn (Hoài Đức). Đồng thời, thời tiết thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển và lây bệnh, nguy cơ dịch SXH trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

Để chủ động phòng, chống SXH, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện thị xã tiếp tục tăng cường chỉ đạo các nội dung về phòng, chống SXH:

Các địa phương chủ động công tác truyền thông phòng chống SXH và triển khai các hoạt động thiết thực, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng chống Covid-19.

Các quận, huyện, thị xã giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo, huy động ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy. Đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiêu diệt bọ gậy.

Các địa phương chỉ đạo trung tâm y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, giám sát véc tơ trước và sau xử lý. Địa phương chủ động xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động phòng dịch.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan truyền thông của địa phương tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống SXH. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống SXH như: Lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng/bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt. Truyền thông về dấu hiệu của bệnh SXH và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Các đơn vị tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyến tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Ngoài ra, quận, huyện, thị xã bố trí đủ và kịp thời kinh phí của địa phương cho các hoạt động phòng chống SXH.

 Hà Linh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải cứu hàng không: Cứu cách nào, sao cho hiệu quả?

Những thiệt hại của hàng không là vô cùng lớn và có thể phá sản nếu không có sự can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên, việc giải cứu bằng cách nào và sao cho hiệu quả vẫn là một dấu hỏi lớn hiện nay.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/159-ca-mac-sot-xuat-huyet-ha-noi-tang-cuong-bien-phap-phong-dich-424459.html