257.030 thí sinh không xét tuyển ĐH, CĐ năm 2020: Xu hướng học nghề tăng nhanh ở người trẻ

09/07/2020 15:41

Kinhte&Xahoi Thay vì đổ xô vào các trường đại học, cao đẳng bằng mọi giá, những năm gần đây, học sinh và phụ huynh đã có cái nhìn khá cởi mở với học nghề. Đây là xu hướng tích cực thể hiện việc phân luồng được Bộ GD&ĐT triển khai rất hiệu quả, gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người trẻ…

Học nghề ngày càng trở thành lựa chọn được nhiều người trẻ "ưa chuộng"

Vì sao ngày càng nhiều học sinh không “mặn mà” với đại học?

Là học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ để xét tốt nghiệp, Trần Hoài An (học sinh THPT ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước khi làm hồ sơ, em đã tham khảo ý kiến từ người thân, thầy cô, bạn bè. Thậm chí, An còn dành nhiều thời gian lên các phương tiện thông tin truyền thông để tìm hiểu về xu hướng nghề nghiệp trong những năm gần đây.

An chia sẻ: “Em thấy xung quanh mình có rất nhiều anh, chị cũng từng tốt nghiệp trường đại học này, đại học kia với bằng khá, giỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm kiếm được việc làm như ý muốn. Rất nhiều người làm việc trái ngành, nghề hoặc rẽ sang hẳn một hướng khác. Như vậy vừa tốn kém thời gian, tiền bạc của gia đình mà cuối cùng cũng không đạt được mục đích”.

Từ suy nghĩ đó, trong quá trình học THPT, An đã nghĩ đến việc học nghề sau khi tốt nghiệp để rút ngắn thời gian lập nghiệp, gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. Cô tâm sự: “Em định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ học nghề may công nghiệp sau đó đi xuất khẩu lao động hoặc xin việc trong một công ty, doanh nghiệp nào đó. Em nghĩ chỉ cần giỏi nghề, sẽ có nhiều cơ hội việc làm đến với mình”.

Không chỉ mong gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, trước thông tin các trường đại học tăng học phí vì tự chủ, nhiều học sinh cũng đưa ra những lựa chọn thực tế hơn để định hướng tương lai của mình.

Thái Thành Nam (ở Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ: “Em thích Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, sau khi xem xét quy chế tuyển sinh của trường năm nay và so sánh lực học của mình, em nghĩ cơ hội đỗ không cao. Thêm vào đó, học phí cho 4 năm đại học cũng không hề ít. Trong khi đó học nghề thời gian đào tạo ngắn hơn, chi phí thấp hơn. Nhìn nhiều người xung quanh mình chỉ học nghề nhưng có thu nhập khá ổn, thậm chí cao hơn nhiều so với cử nhân đại học nên em chọn hướng đi khác cho mình. Em muốn học nghề Hàn cơ khí hoặc Công nghệ ô tô”.

Học nghề gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm

Theo thống kê từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), kết thúc đợt 1 đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020, có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 13.500 thí sinh so với năm trước. Trong số đó có 643.122 em đăng ký xét tuyển (chiếm 71,45%), giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.

Nhìn vào số liệu này, có thể thấy năm 2020 có 257.030 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp mà không xét tuyển đại học (chiếm 28,5%). Con số này năm 2019 là 27,8%, năm 2018 là 25,7% và 2017 là 25%. Số lượng học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp tăng qua mỗi năm, điều này đồng nghĩa tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học sẽ giảm đi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học tăng thêm khoảng 10% so với năm 2019, khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Các trường ở top trên có mức độ cạnh tranh cao thì số chỉ tiêu tuyển sinh chiếm chưa đến 10%.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), trong số 257.030 thí sinh không xét tuyển đại học năm 2020, có thể các em đã lựa chọn cách xét tuyển vào đại học bằng học bạ, đi du học hoặc chuyển qua học nghề. Dù học sinh lựa chọn theo cách nào, thì việc tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng giảm (năm 2019, tỷ lệ này là 74,01%; năm 2018 là 74,37%) là xu hướng tích cực, thể hiện việc chúng ta phân luồng ngày càng tốt.

Các chuyên gia cho rằng, đây chính là cơ hội để giáo dục nghề nghiệp phát triển đồng thời đặt ra thách thức đòi hỏi giáo dục đại học không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, gắn giáo dục với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường lao động để tăng cơ hội việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển, nhu cầu tuyển dụng lao động theo năng lực, không quan trọng bằng cấp của doanh nghiệp đã tác động đến tâm lý chọn trường, chọn nghề. Học sinh đã coi vào đại học như một lựa chọn hơn là con đường tất yếu để thành công.

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, tỷ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 85%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay ở mức cao. Đặc biệt, Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Nghề số 1... tỷ lệ có việc làm đạt 100%.

 Ngọc Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dù dịch bệnh, xuất khẩu rau, quả vẫn tăng trưởng

Tuy tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia nhưng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan... lại tăng mạnh, thậm chí có thị trường tăng trên 200%.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xu-huong-hoc-nghe-tang-nhanh-o-nguoi-tre-d2086507.html