50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Hành trình vươn tới những ước mơ

20/08/2019 11:39

Kinhte&Xahoi Ngày 2/9/1969, khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc kết tinh những giá trị vô giá của tư tưởng và đạo đức của Người. 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau vào lúc 9h sáng thứ hai, ngày 10/5/1965. Từ đó tới ngày 15/5, mỗi ngày Bác dành một tiếng để hoàn thành bản viết Di chúc dài 3 trang.

Và cứ đến dịp sinh nhật Bác hằng năm, Bác lại đọc kỹ bản Di chúc xem xét, cân nhắc từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước.

Năm 1969, khoảng 4 tháng trước lúc đi xa mãi mãi, Người viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay, nâng tổng số trang các bản viết Di chúc lên 10 trang. Đúng 10h ngày 19/5/1969, nhân dịp sinh nhật lần thứ 79, Người đọc lại lần cuối các bản viết Di chúc, xếp vào phong bì cất đi.

Tháng 9/1969 Di chúc được công bố lần đầu  trong lễ tang Người. Năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người. Năm 2012, Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, hiện lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Có thể nói, toàn bộ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt; là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
50 năm qua, thực hiện Di chúc của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và đạt được những thành tựu quan trọng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội gắn với độc lập dân tộc, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức trưng bày chuyên đề: “Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)”.

Với hơn 250 tài liệu, hiện vật, hình ảnh và phim tài liệu, trưng bày giới thiệu đến công chúng những thành tựu nổi bật của đất nước đạt được trên chặng đường vẻ vang 50 năm qua, từng bước hiện thực hóa những mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa.

Đồng thời, trưng bày cũng góp phần động viên nhân dân tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, nỗ lực phấn đấu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Nội dung Triển lãm gồm 04 phần: Phần thứ nhất: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1969 – 1975); Phần thứ hai: Xây dựng lại đất nước và bảo vệ Tổ quốc (1975- 1986); Phần thứ ba: Đổi mới và phát triển (1986-1995); Phần thứ tư: Hội nhập và cất cánh (1995 – 2019). Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/8/2019 đến tháng 12/2019. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Nhiều trường học "âm thầm" gỡ "danh xưng" trường quốc tế

Sau vụ học sinh lớp 1 Trường Gateway tử vong, nghi do bị bỏ quên trên xe ô tô, nhiều người tá hoả khi biết một số trường tự gắn mác “quốc tế” để thu hút người học. Hiện, một số trường đã “âm thầm” bỏ chữ “quốc tế” sau thông tin các cơ quan chức năng sẽ rà soát.

Nguồn: Pháp luật Plus