Ai là nhà đầu tư gần 4.000 tỷ đồng dự án KCN Sông Công II giai đoạn 2

08/03/2024 10:01

Kinhte&Xahoi Mới đây, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2.

Dự án gần 4.000 tỷ đồng

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên (Dự án).

Nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần Viglacera Thái Nguyên.

Dự án được thực hiện tại xã Bá Xuyên và xã Tân Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (gồm Khu số 1 và Khu số 2), trong đó:

- Khu số 1: quy mô 175,52 ha nằm trên địa giới hành chính của xã Tân Quang và một phần xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công.

- Khu số 2: quy mô 120,72 ha nằm trên địa giới hành chính của xã Bá Xuyên và một phần xã Tân Quang, thành phố Sông Công.

Đồ án quy hoạch – Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Sông Công II (giai đoạn 2)

Dự án thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất với tổng nguồn vốn đầu tư 3.985,47 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 597,82 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 69 của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về những nội dung được giao chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết thủ tục khác có liên quan đến hoạt động đầu tư; không chịu trách nhiệm về những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Khu công nghiệp Sông Công II (giai đoạn 2) nằm trên địa bàn thành phố Sông Công, Thái Nguyên thời điểm giai đoạn san lấp mặt bằng dự án. Ảnh ghi nhận năm 2021 - Nguồn ảnh Báo Xây dựng

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; sự phù hợp của Dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành.

Bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt đối với đất trồng lúa trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án; có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa khác để bù lại đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai; thực hiện đúng các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết của Nhà đầu tư về việc đảm bảo điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế...

Công ty Viglacera Thái Nguyên (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công ty Viglacera Thái Nguyên chỉ được thực hiện Dự án sau khi: (i) việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng đất trồng lúa và nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và Điều 45 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai;

(ii) Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp...

Công ty cổ phần Viglacera Thái Nguyên là ai?

 Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 4601598818, đăng ký lần đầu ngày 06/12/2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp, số vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Viglacera Thái Nguyên là 600 tỷ đồng. Công ty do ông Lê Ngọc Ước là người đại diện pháp luật, và có trụ sở tại tòa nhà FCC, số 64 Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên.

Viglacera Thái Nguyên hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Ở diễn biến liên quan, tháng 6/2023, Tổng công ty Viglacera (Mã: VGC) đã công bố Nghị quyết góp vốn thành lập Công ty CP Viglacera Thái Nguyên. Cụ thể, vốn điều lệ của Viglacera Thái Nguyên là 600 tỷ đồng, trong đó, Viglacera sở hữu 51% vốn điều lệ, tương ứng số tiền thực góp là 306 tỷ đồng.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã: VGC, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần 3.020 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm 21% về còn 565 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 75% về còn gần 6 tỷ đồng, công ty cũng ghi nhận lỗ 16,2 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết.

Cùng với việc các loại chi phí duy trì ở mức cao (chi phí quản lý tăng 44%), Viglacera lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 11 tỷ đồng (cùng kỳ lãi thuần 233 tỷ đồng).

Sau khấu trừ thuế, VGC lỗ ròng 48 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 222 tỷ đồng). Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ khi công ty công bố thông tin.

Ngoài ra, VGC đã phát triển 11 khu công nghiệp với 560ha diện tích đất còn lại, tập trung ở miền Bắc và miền Trung, VGC đã thu hút được những khách hàng lớn, bao gồm Samsung, Accor, BYD và nhiều khách hàng khác.
Theo giải trình, lợi nhuận của Viglacera giảm mạnh do nhóm kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm dẫn đến doanh thu giảm. Bên cạnh đó, công ty thực hiện trích 100 tỷ đồng Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Lũy kế cả năm 2023, Viglacera báo doanh thu thuần đạt 13.194 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Hầu hết các mảng doanh thu đều suy giảm trong năm qua: mảng bất động sản (giảm 90%, đạt 100 tỷ đồng), mảng kính gương (giảm 31%, đạt 2.004 tỷ đồng), mảng sứ, sen vòi và phụ kiện (giảm 15%, đạt 925 tỷ đồng), mảng gạch ngói (giảm 25%, đạt 1.270 tỷ đồng). Duy chỉ mảng gạch ốp lát chỉ giảm 3%, đạt 3.459 tỷ đồng.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP có trụ sở tại Hà Nội.

Đầu tháng 1/2024 vừa qua, Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tổng Công ty Viglacera – CTCP.

Theo đó, Viglacera bị phạt hơn 1,4 tỷ đồng, tương đương 20% số tiền thuế thiếu đối với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp từ năm 2018 đến 2022.

Cơ quan thuế cũng yêu cầu Viglacera phải nộp bổ sung gần 7,2 tỷ đồng, là số thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu trong các năm này vào ngân sách. Ngoài ra, Viglacera phải nộp thêm tiền chậm nộp thuế gần 2,5 tỷ đồng.

Như vậy, tổng tiền truy thu, xử phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp mà Viglacera phải nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 11 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng quyết định giảm số tiền thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau kỳ tính thuế tháng 12/2022 số tiền là hơn 877 tỷ đồng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Chí Kiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/ai-la-nha-dau-tu-gan-4000-ty-dong-du-an-kcn-song-cong-ii-giai-doan-2-196707.html