Ấm lòng y tế Việt Nam

27/02/2020 15:47

Kinhte&Xahoi Tại sao lại nói vậy? Kể từ khi bệnh dịch bùng phát đến nay, từ sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Y tế Việt Nam đã chuẩn bị nhiều phương án...

Tại sao lại nói vậy? Kể từ khi bệnh dịch bùng phát đến nay, từ sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Y tế Việt Nam đã chuẩn bị nhiều phương án để hỗ trợ, đón người Việt về nước. Công dân Việt trở về từ vùng dịch thực sự được hưởng sự yêu thương của đất mẹ, của những 'lương y - từ mẫu' chốn quê nhà.

Bệnh nhân nhiễm Covid - 19 được xuất viện.

Mấy ngày nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang leo thang tại Hàn Quốc và đây là quốc gia có số trường hợp mắc cao nhất ngoài Trung Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao nhất, đồng thời đưa thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang là hai khu vực cần có sự quan tâm đặc biệt về dịch Covid-19.

Số người mắc bệnh và tử vong ngày một gia tăng, lo lắng hoang mang trước bệnh dịch nhiều công dân Việt Nam muốn về nước. Trước tình hình trên, ngành Y tế Việt đã và đang chuẩn bị nhiều phương án để hỗ trợ, đón người Việt về nước.

"Nếu Hàn Quốc diễn biến phức tạp như Vũ Hán, phải đưa người về. Rất có thể trong những ngày tới, Hà Nội sẽ phải lên kế hoạch đón những công dân từ Hàn Quốc về để cách ly, giám sát. Nếu số công dân này về nước thì Hà Nội có thể phải tiếp nhận hàng nghìn người, ta cần phải chủ động" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo trong cuộc họp UBND thành phố.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, để chủ động trong việc cách ly, theo dõi sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều phương án. Đầu tiên ngày 24/2/2020, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 865/BYT-DP về việc bố trí phiên dịch tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc hỗ trợ công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu để phòng chống dịch Covid-19 đến UBND tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế.
 
Tiếp đó, để thực hiện tốt việc cách ly đối với người về Việt Nam từ những nước đang có dịch Covid-19, cùng ngày, Bộ Y tế gửi Công văn số 868/BYT-DP về việc hướng dẫn cách ly đối với người về từ Hàn Quốc.

Áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang để tổ chức cách ly y tế kịp thời. Tất cả những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phát hiện tại cửa khẩu phải lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm…

Có thể nói, với thành công chữa khỏi 16/16 ca dương tính với Covid-19 và đang tiếp tục dốc toàn tâm, toàn lực để bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi công dân, ngành Y tế Việt Nam đã và đang đi đầu trên tuyến đầu chống dịch.

Hay nói như bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế: “Trong những trận dịch nguy hiểm, người ta thấy bệnh thì phải cố chạy thật xa. Chỉ có nhân viên y tế là người gánh trọng trách xông vào mặt trận” và “Chúng ta chỉ có thể đẩy lùi được dịch bệnh khi có sự chung tay, góp sức của toàn dân và Chính phủ. Dịch SARS giờ đây chỉ còn là ký ức và Covid-19 cũng sẽ như thế. Việt Nam nhất định vượt qua dịch bệnh này”.

Hôm nay là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ngày hôm nay đặc biệt hơn mọi năm vì dịch Covid-19 dù đang được kiểm soát tốt nhưng các “chiến sĩ áo trắng” vẫn phải hy sinh, nỗ lực không ngừng vì sức khỏe, hạnh phúc của người dân. Xin được gửi những lời chúc tốt, đẹp nhất tới các “chiến sĩ áo trắng” nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bộ Công Thương đề xuất giá điện sinh hoạt 5 bậc

Bộ Công thương vừa đưa ra dự tháo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (thay thế quyết định số 28/2014/QĐ-TTg), để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/am-long-y-te-viet-nam-d118216.html