Âm nhạc trực tuyến - hay và chưa hay

02/04/2020 15:29

Kinhte&Xahoi Sản xuất nhạc trực tuyến là một giải pháp tối ưu trong mùa dịch, khi mà người dân không thể ra đường hay tụ tập chỗ đông người. Tuy nhiên, về mặt chất lượng còn nhiều vấn đề phải bàn đến.

Phương Ly trên sân khấu Super Live "Ở nhà bỗng vui".

Mở rộng không gian đến vô tận

Thời điểm này, hầu hết các nghệ sĩ đã bắt đầu “quen” với sự đìu hiu của làng nghệ thuật. Thay vì than thở vắng show, nhiều nghệ sĩ đã lấy lại tinh thần tích cực, mở ra cho mình những lựa chọn mới để gắn bó với nghề trong mùa dịch.

Như đã thấy, việc sản xuất, phát sóng âm nhạc trực tuyến là lựa chọn hàng đầu cho thời điểm này. Thời gian vừa qua, công chúng chứng kiến số lượng liveshow trực tuyến nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trước đây.

Phải thừa nhận một điều, cách làm liveshow trực tuyến đem lại không ít lợi thế cho nghệ sĩ, nó cho họ một lựa chọn đầy mới mẻ. Nếu so với biểu diễn tại chỗ, biểu diễn trực tuyến mở rộng không gian âm nhạc đến vô tận.

Người xem, người nghe sẽ không bị bó buộc ở không gian một khán phòng, phòng trà, nhà hát hay sân vận động, số lượng khán giả không giới hạn. Nó không phụ thuộc vào không gian biểu diễn, mà phụ thuộc vào chất lượng, độ thu hút của chương trình. Một chương trình hay, khán giả trực tuyến có thể lên đến hàng triệu, chục triệu người xem cùng một lúc.

Còn nếu so việc việc phát hành MV, audio, việc biểu diễn trực tuyến đem lại sự sống động và chân thực hơn. Nhiều liveshow trực tuyến thời gian qua của các nghệ sĩ như Tuấn Hưng, Đình Bảo, Minh Vương, hay đại hội âm nhạc trực tuyến Super Live mang tên "Ở nhà bỗng vui" với sự góp mặt của hàng loạt nghệ sĩ đình đám đã cho thấy ưu thế rõ rệt của liveshow online.

Với chương trình trực tuyến, nghệ sĩ có thời gian để tương tác, chuyện trò cùng khán giả nhiều hơn. Cảm giác kết nối giữa khán giả và nghệ sĩ cũng thân thiện, gần gũi hơn nhiều so với trực tiếp.

Nghệ sĩ Đinh Mạnh Ninh chia sẻ, dù sao công cụ trực tuyến đã khiến cho nghệ sĩ có thêm lựa chọn để tiếp tục cống hiến cho khán giả vào thời điểm này. Âm nhạc có thể xoa dịu tinh thần mọi người, đó là điều đáng quý.

Băn khoăn chất lượng

Tất nhiên biểu diễn trực tuyến vẫn có những hạn chế nhất định. Về mặt kĩ thuật, điều làm nhiều nghệ sĩ lăn tăn nhất nằm ở chất lượng của đường truyền. Với tốc độ đường truyền internet hiện nay, một thực tế cần thừa nhận là hình ảnh được phát đi của các buổi diễn trực tiếp giảm sút đáng kể về chất lượng nghệ thuật so với thực tế.

Bên cạnh đó, các khu vực, dịch vụ mạng, gói cước khác nhau cũng đem lại chất lượng trải nghiệm khác nhau. Lê Thị Lan Anh, một khán giả khu vực Gò Vấp, TP HCM chia sẻ: “Vì tôi ở phòng trọ, wifi chia sẻ nhiều người nên chất lượng đường truyền khá tệ. Thế nên, xem liveshow trực tuyến của các nghệ sĩ mình yêu thích là một khó khăn. Âm thanh không được rõ như nghe MV, hình ảnh nhòe hơn, thậm chí nhiều lúc đang xem hay còn bị đứng hình, rất dễ tụt cảm xúc”.

Một yếu tố khác khiến việc biểu diễn trực tuyến hạn chế so với trực tiếp đó là về mặt cảm nhận. Âm nhạc khi được nghe nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp mang theo yếu tố không gian, cảm xúc… Thực tế, các video âm nhạc thu âm buổi diễn, khi được phát trên mạng dù biên tập cắt gọt kĩ cũng không đảm bảo được trọn vẹn cảm xúc của người nghe, huống gì biểu diễn trực tuyến với đường truyền lúc ổn định, lúc không.

Bên cạnh đó, biểu diễn trực tuyến sẽ tương đối dễ thực hiện đối với các nghệ sĩ thuộc lĩnh vực âm nhạc. Các bộ môn nghệ thuật khác như múa, kịch… thời điểm này nghệ sĩ vẫn loay hoay, chưa tìm ra được cách thức nào tiếp cận khán giả từ xa một cách hợp lý nhất.

Những nền móng của hình thức biểu diễn trực tuyến đã được nhiều nghệ sĩ tiên phong từ cách đây 2, 3 năm. Thời điểm này có lẽ sẽ là một bước ngoặt cho ứng dụng công nghệ 4.0 vào biểu diễn nghệ thuật. Dù còn nhiều hạn chế và chưa thể thay thế hoàn toàn biểu diễn trực tiếp nhưng liveshow online vẫn là xu thế thời đại.

Nhạc sĩ Huy Tuấn: “Hiện nay ở Việt Nam, thực tế tín hiệu đường truyền và hạ tầng truyền hình vẫn chưa thể đem lại chất lượng âm thanh chuẩn cho các chương trình trực tiếp. Có nhiều chương trình rất đáng tiếc khi thực tế nghệ sĩ chơi rất hay, ca sĩ hát tuyệt vời nhưng đến tai khán giả truyền hình chỉ còn 1/10”.

Nhạc sĩ Minh Vương: “Show trực tuyến nói chung và âm nhạc trực tuyến nói riêng là sự phát triển tất yếu của thời đại. Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ thì cũng có rất nhiều show trực tuyến được phát cho mọi người xem nhưng có lẽ chưa quá phổ biến.

Tôi cho rằng, đây là sự phát triển tất yếu của cuộc sống chứ không phải là giải pháp “chống ế” trong mùa dịch. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng đây cũng là dịp chứng minh sự sáng tạo của nghệ sĩ, buộc họ phải chuyển mình để phù hợp với thời đại công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giữ dòng điện thông suốt trong mùa dịch

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước gồng mình chống dịch, nhưng khó khăn, vất vả nhất vẫn là những người ở tuyến đầu trong nỗ lực cứu chữa người bệnh và hạn chế tới mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Góp sức vào nỗ lực chung ấy, cán bộ, công nhân ngành Điện Thủ đô ngày đêm giữ dòng điện thông suốt, phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch của các bệnh viện, cơ sở y tế.

Cuộc giao thương trực tuyến đầu tiên trên thế giới trong mùa dịch Covid-19

Lần đầu tiên, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM- Bộ Công Thương) đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Phát triển Ngoại thương Tứ Xuyên, Trung Quốc tổ chức cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm phòng chống dịch Covid-19 Trung Quốc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/am-nhac-truc-tuyen--hay-va-chua-hay-d120881.html