Bắc Kạn: Cần làm rõ một doanh nghiệp mở đường lớn trong rừng tự nhiên

11/12/2023 15:26

Kinhte&Xahoi Khai thác đào đục hàng nghìn m3 đá hộc từ các khoảnh rừng được nghi là phòng hộ để làm đường dẫn vào vị trí thăm dò khoáng sản vừa cấp phép.

Tiếng búa máy đập đá vang lên chát chúa, cùng tiếng động cơ gầm gào dội vào vách núi khiến khu rừng xưa nay vốn yên tĩnh, bỗng trở lên ồn ào náo nhiệt như một đại công trường rầm rộ.

Nhiều km đường cứ thế được hình thành với đất đá mới tinh luồn sâu trong các tán cây to cổ thụ và rừng tre già hàng chục năm tuổi.

Nhiều người dân khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy cỗ máy xúc nào to như thế mà lại xuất hiện trong giữa một khu rừng sâu núi thẳm heo hút vắng vẻ như thế này.

Máy xúc cỡ lớn được lắp hệ thống khoan đục để phá đá mở đường.

Hàng ngàn m3 đá hộc được đào đục, khai thác từ những vạt rừng tự nhiên rồi san gạt vung vãi vô tội vạ xuống các sườn núi và khe cạn.

Dấu vết băm bổ bằng búa máy tạo thành vách ta luy nham nhở trắng xóa, mặt đường xếp đá hộc gồ ghề được đổ thêm lớp đất trên mặt để lấy mặt phẳng rộng tới khoản trên dưới 5 m đủ để xe ô tô và máy móc cỡ lớn vào hoạt động.

 
 
Đá hộc được xếp làm cốt sau đó lấp đất trên mặt tạo thành con đường lớn xiên qua rừng tự nhiên.

Con đường vừa hoàn thành lên tới gần đỉnh thì chia làm 2 nhánh, một nhánh rẽ lên hướng rừng già dốc đá, một nhánh đi thẳng vào rừng tre luồng có điểm đến là một cái hố sâu hun hút, thẳng đứng xuống dưới như cái giếng không nhìn thấy đáy.

Trên miệng hố là mấy công nhân đang dùng cưa xăng cắt gỗ ghép thành sàn để chuẩn bị việc thăm dò dưới lòng đất.

Một công nhân cho biết hàng này đã có sẵn từ lâu và được nhiều đội khai thác trước đó lấy đi rất nhiều quặng, giờ có độ sâu khoảng hơn 40 m sau đó tỏa đi các ngóc ngách nên phải dùng tời bằng động cơ để vận chuyển quặng chì kẽm từ đáy lên mặt đất.

Nhiều người dùng cưa xăng cắt gỗ ghép sàn trên cửa hang, nói là để chuẩn bị lấy quặng.

Được biết mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên vừa ký ban hành Giấy phép số 608/GP-UBND cho phép Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn được thăm dò khoáng sản chì kẽm tại khu vực Bó Nặm, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn.

Theo đó, diện tích khu vực thăm dò là 10 ha, thời hạn thăm dò là 36 tháng, kể từ ngày ký Giấy phép. Khối lượng thăm dò theo Đề án thăm dò đã được chỉnh sửa, bổ sung theo kết quả của Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò tỉnh Bắc Kạn thẩm định, thông qua ngày 27/2/2023.

Những phiến đá to bị công phá tan tành rồi vùi lấp thành con đường lớn.

Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn có trách nhiệm: Nộp lệ phí cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản và các khoản phí có liên quan theo quy định.

Đồng thời thông báo kế hoạch, thời gian triển khai thi công các hạng mục công tác thăm dò cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn; chịu sự kiểm tra, giám sát quá trình thi công và các hạng mục công việc theo Đề án được phê duyệt.

Bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nghiêm cấm hoạt động khai thác trong quá trình thăm dò. Nếu phát hiện các loại khoáng sản khác, Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh Bắc Kạn để xử lý theo quy định.

Trình thẩm định, xét duyệt báo cáo kết quả thăm dò tại Hội đồng thẩm định Đề án, báo cáo thăm dò khoáng sản tỉnh Bắc Kạn; nộp báo cáo vào lưu trữ theo quy định hiện hành.

Đang gấp rút hoàn thiện tuyến đường đá xuyên qua khu rừng nghi là phòng hộ.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, ông Nông Văn Thẩm - Chủ tịch UBND xã Quảng Bạch cho biết: "Thời gian vừa qua, xã có nhận được thông báo về việc có đơn vị thực hiện việc thăm dò khoáng sản trên địa bàn, khu vực đó là rừng tự nhiên và có một phần là rừng sản xuất do người dân trồng cây tre luồng.

Thời điểm người ta vận chuyển máy móc thiết bị thì chúng tôi đã thành lập một tổ công tác đến để kiểm tra thì thấy họ đã khiêng hết máy khoan lên đó rồi, khi đó chỉ có con đường nhỏ của người dân đi lại.

Kho mìn cũ được xây dựng từ trước, nay cũng được sửa sang đưa vào sử dụng.

Còn về sau này thì nghe nói họ có sửa một con đường dân sinh, nhưng xã không hề nhận văn bản nào có nội dung làm đường và cũng lâu chưa đi kiểm tra được.

Các mỏ thường thường là phòng tài nguyên người ta quản lý, còn địa phương thì chỉ có thông báo các quyết định, tuy nhiên không thấy nói đến việc làm đường hay sửa đường gì cả".

Đá trắng được lát dầy trên con đường rộng khoảng hơn 5 m xuyên qua rừng mỡ nhiều năm tuổi.

Theo quan sát trong một thời gian ngắn nhận thấy, ngay sau khi được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản tại khu vực Bó Nặm.

Công ty TNHH Hoàng Nam tiến hành mở đường lớn bằng cách dùng các phương tiện máy móc đào đục khai thác hàng nghìn m3 đá từ rừng tự nhiên ngoài phạm vi thăm dò để kê kích xuống cốt nền, vùi lấp thành nhiều km đường như vậy, liệu Công ty TNHH Hoàng Nam có đang khai thác khoáng sản (Đá) trái phép hay không ?

Máy xúc hùng hổ tiến vào khu rừng tự nhiên rậm rạp.

Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xác minh xử lý  nghiêm vi phạm (nếu có) để đảm bảo việc thăm dò không bị biến tướng lệch lạc, đảm bảo an ninh trật tự, tránh gây hiểu lầm trong quần chúng nhân dân tại địa phương.

Một người đàn ông có mặt suốt trong quá trình làm đường để chỉ đạo công việc.

Khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản quy định: "Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ"

Như vậy, vật liệu san lấp để xây dựng các công trình như san lấp nền nhà, nền đường… (gồm đất, cuội, sỏi, sạn,...) đều được tích tụ tự nhiên, phân bố ở tầng phong hóa của vỏ trái đất là khoáng sản.

Theo quy định nêu trên thì đất của các ruộng sản xuất nông nghiệp là khoáng sản, việc khai thác đất mặt của ruộng sản xuất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích như san lấp nền nhà, bán làm vật liệu sản xuất nông nghiệp cho những nơi khác là hoạt động khai thác khoáng sản, nếu hoạt động này chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đó là khai thác khoáng sản trái phép.

Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin !

Thiên Vũ - Nhật Minh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/bac-kan-can-lam-ro-mot-doanh-nghiep-mo-duong-lon-trong-rung-tu-nhien-d201413.html