Bài toán trước ngưỡng bình thường mới

08/09/2021 07:36

Kinhte&Xahoi Từ nay đến thời hạn dự kiến kết thúc giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh mà trong đó trọng tâm là TP.HCM, Hà Nội không còn nhiều. Triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Đã có những đề xuất với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cần được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, tham gia công tác phòng, chống dịch.

Nhắc đến câu chuyện kiểm soát đi lại đối với người dân ở các đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội, các bộ, ngành đã xây dựng nhiều ứng dụng (app) liên quan. Các tỉnh, thành phố đã và đang nghiên cứu, chủ động để có thể triển khai.

Giai đoạn 4 của dịch COVID-19, Việt Nam đã “chủ động tấn công” dịch bệnh, thực hiện “5K + vaccine”, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Không thể phong tỏa mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên mới đây cũng nêu quan điểm:“Chúng ta không thể tiếp tục mãi giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó chúng ta sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch”...

Như vậy, những trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương là rất cấp thiết và thiết thực vì nền kinh tế ngưng trệ ngày nào là thiệt hại đến sinh kế và sản xuất kinh doanh ngày đó. Nếu không tìm phương hướng giải quyết sớm, phục hồi sớm, những hệ lụy về doanh nghiệp, về ngân hàng, lao động, việc làm và ổn định xã hội là không thể xem thường tới đây.

Trong 8 tháng năm 2021, giải ngân đầu tư công chỉ được hơn 40%. Cùng kỳ năm 2020, năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong 5 năm trước, cũng chỉ đạt 46%. Tốc độ giải ngân nhanh của năm 2020 là vào những tháng cuối năm. Không giải ngân được vốn đầu tư công ảnh hưởng lớn đến thúc đẩy tăng trưởng, ngay cả việc quyết định điều chuyển nguồn vốn cũng phải được xem xét thận trọng.

Hy vọng, hết tháng 9, đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới” để giải ngân đầu tư công có kết quả tốt hơn.

Để phục hồi nền kinh tế, còn nhiều việc cụ thể phải làm, ngay như chuyện đi lại đã có những đề xuất với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cần được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, tham gia công tác phòng, chống dịch. Tất nhiên là phải có hướng dẫn cụ thể với những đối tượng này nếu đề xuất được chấp thuận.

Dễ thông cảm là trong hoàn cảnh vaccine chưa dồi dào thì Hà Nội hay bất cứ địa phương áp dụng Chỉ thị 16 nào cũng gặp khó trong việc “phủ sóng” vaccine. Chẳng hạn như tại Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã tiêm được hơn 2,2 triệu liều, đạt 26,65% dân số; công suất tiêm tối đa lên tới 280.000 mũi/ngày. Chờ cho đến khi tiêm đủ tối thiểu 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng mới tính đến việc mở cửa, chắc chắn sẽ không nhanh.

Để đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới, duy trì nguồn lực chống dịch và sống chung lâu dài với COVID-19 là bài toán đang cần lời giải. Chúng ta cần phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nhu cầu thực tiễn đã rất gấp gáp và cấp thiết.

Ngô Đức Hành- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bai-toan-truoc-nguong-binh-thuong-moi-d165706.html