Báo chí toàn cầu tăng tốc chuyển đổi số

19/06/2021 20:50

Kinhte&Xahoi Theo Tập đoàn Dữ liệu Toàn cầu (IDC), cho tới năm 2022, 65% doanh thu tổng sản phẩm trên toàn cầu sẽ là từ các nguồn số hóa, với các khoản đầu tư chuyển đổi số trực tiếp sẽ lên tới 6,8 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2030. Cuộc khủng khoảng từ đại dịch Covid-19 trong năm qua cũng góp phần thúc đẩy một tương lai kỹ thuật số cho các ngành công nghiệp, trong đó, không thể thiếu báo chí.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Ảnh: Lam Dương

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu

 Báo cáo thường niên năm 2020 của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho biết: “Việc tiêu thụ báo in đã giảm do các đợt phong tỏa suy yếu hoạt động phân phối và chắc chắn sẽ đẩy nhanh sự chuyển dịch sang một tương lai toàn kỹ thuật số”. Trong một bài viết trên Straits Times với tiêu đề: “Đại dịch thúc đẩy các tờ báo chuyển đổi kỹ thuật số”, tác giả cho biết, Covid-19 không chỉ đè nặng lên hệ thống y tế và an sinh xã hội trên toàn thế giới, mà còn đè nặng lên các tòa soạn, với số lượng ấn bản in bán ra sụt giảm trong khi lượng độc giả kỹ thuật lại tăng lên. Đơn giản chỉ việc giao giấy in hay thu hút khách hàng đến mua báo cũng trở thành thách thức trong thời buổi dịch bệnh.

Nic Newman - chuyên gia Viện Nghiên cứu báo chí Reuters dự đoán rằng, năm 2021 sẽ là một năm chuyển đổi số sâu sắc và nhanh chóng sau cú sốc do Covid-19 gây ra. Theo đó, 76% số người tham gia khảo sát Báo cáo thường niên của viện này chia sẻ rằng Covid-19 đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi số của họ. Sự thay đổi rõ ràng nhất trong hoạt động báo chí thời gian qua là việc buộc phải áp dụng phương thức làm việc từ xa sử dụng các công cụ cộng tác trực tuyến như Zoom và Slack. Các nhà báo cũng đã dần thích nghi với sự linh hoạt mới, trong khi các tổ chức tin tức nhận thấy có thể sản xuất thông tin và thậm chí cả các chương trình tin tức radio và TV, từ phòng ngủ, phòng sinh hoạt hay thậm chí phòng bếp.

Dự kiến trong năm 2021, tốc độ đổi mới sẽ vẫn tiếp tục mạnh mẽ khi các công ty truyền thông đẩy nhanh các kế hoạch chuyển đổi số của họ. Nhưng với khoản tiền đầu tư cho các kế hoạch mới là không nhiều, do đó các công ty có thể sẽ tập trung vào việc cải tiến các sản phẩm và thương hiệu hiện có (70%) hơn là phát triển hoặc tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới (28%).

Ưu tiên đa dạng hóa doanh thu

Đối với những tờ báo đi đầu trong chuyển đổi số, doanh thu từ các nền tảng số trong năm đại dịch vừa qua tăng lên mạnh mẽ, với nguồn thu chính từ thu phí người đọc trên các nền tảng số. 76% số người tham gia khảo sát của báo cáo nói trên khẳng định, trọng tâm doanh thu của báo chí sẽ là thúc đẩy đăng ký trả phí, thậm chí còn được ưu tiên đặt lên trên cả doanh thu quảng cáo. Dịch Covid-19, mặt khác, đã tạo ra một cú hích lớn cho xu hướng đọc báo số, với thống kê rằng các ấn phẩm báo chí xuất bản trên nền tảng kỹ thuật số đang phát triển nhanh thứ hai - sau các dịch vụ phát trực tuyến video như Disney +, Netflix và Amazon Prime. Chỉ riêng tờ New York Times đã có thêm hơn 1 triệu người theo dõi trả phí đọc báo vào năm 2020. Ở Anh, tờ Guardian được gọi là “người thụ hưởng” từ Covid-19 khi lượng người đọc đăng ký cho các ứng dụng đọc trả phí tăng 60% trong năm qua. Thậm chí Washington Post có kế hoạch thêm 150 việc làm mới vào năm 2021, tạo ra một tòa soạn với hơn 1.000 nhân viên để đáp ứng nhu cầu người đọc báo số.

Bên cạnh trọng tâm đó, thương mại điện tử (TMĐT) và tổ chức sự kiện là những nguồn thu quan trọng tiếp theo của các cơ quan báo chí tương lai. TMĐT là một trong những nguồn doanh thu đầy hứa hẹn cho các nhà xuất bản với mức chi tiêu được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới. Các thương hiệu như: BuzzFeed, The New York Times và New York Magazine/Vox Media đã có những bước thâm nhập đáng kể trong lĩnh vực này. Nhìn chung, các nhà xuất bản cũng đã xây dựng những sáng kiến TMĐT xung quanh việc quản lý nội dung để làm sao có thể thu hút được khách mua hàng, qua đó nhận được những khoản hoa hồng. Điển hình như Wirecutter của The New York Times, The Strategist của New York Magazine/Vox Media và IndyBest của The Independent, hay như BuzzFeed đã mạnh dạn đi trước và tạo ra được ngành dọc sản phẩm của riêng họ.

Đa dạng hóa doanh thu cũng là vấn đề được các nhà xuất bản tin tức khẳng định sẽ rất quan trọng trong năm nay. Một trong những ví dụ thành công về đa dạng hóa doanh thu là tờ The Independent (Anh) hiện hoạt động dựa vào sự kết hợp của doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số, thương mại điện tử, doanh thu liên kết, đăng ký trả phí và mô hình đóng góp. The Independent hiện cũng đã được mở rộng sang các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha.

Những nền tảng số mới lên ngôi

Hai nền tảng nổi bật mà các nhà xuất bản sử dụng rất nhiều để thu hút người tiếp cận tin tức trong năm 2020 là bản tin email (newsletter) và podcast (các tập tin âm thanh và video số).

Thống kê của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho thấy, khoảng 16% số người đọc trên thế giới truy cập tin tức mỗi tuần qua email, với hầu hết trong số này (60%) truy cập một bản tóm tắt về tin tức chung hoặc có nội dung về chính trị, thường được gửi trong buổi sáng. Các nhà xuất bản đã mở rộng phạm vi định dạng, ngày càng cung cấp các "email chuyên biệt" về các chủ đề nóng như Covid-19 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Cứ 5 quốc gia thì có 1 (21%) truy cập email tin tức hàng tuần và hầu như một nửa trong số này coi đây là cách tiếp cận tin tức chính của họ.

Tờ New York Times hiện cung cấp gần 70 bản tin email, với cuộc họp báo buổi sáng hiện đạt 17 triệu người đăng ký. Các bản tin email có xu hướng phổ biến nhất với các nhóm tuổi lớn hơn, trong khi thông tin trên các nền tảng thiết bị di động phổ biến hơn với giới trẻ và tiếp tục phát triển ở nhiều quốc gia

Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, podcast đã trở nên quan trọng hơn kênh để thúc đẩy lòng trung thành với các thương hiệu tin tức cụ thể. The Daily của New York Times hiện có 2 triệu người nghe mỗi ngày và mặc dù doanh thu quảng cáo là đáng kể, mục tiêu chiến lược chính là thu hút người đăng ký mới và xây dựng thói quen. The Guardian (Anh), Aionaryposten (Na Uy) và Les Echos (Pháp) nằm trong số các nhà xuất bản đã tung ra podcast tin tức hàng ngày thành công. Theo ước tính của Deloitte, thị trường podcast có thể vượt 3,3 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025. Con số đó tăng khoảng gấp 3 lần quy mô hiện tại.

Tựu chung, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy nhiều nền tảng kỹ thuật số lên ngôi, nhưng những tác động từ làn sóng này sẽ trở nên lâu dài. Qua đó, nhiều người trẻ tuổi đã đọc nhiều tin tức hơn thông qua các dịch vụ như Instagram, Snapchat và TikTok.

Dịch bệnh mặt khác đã tác động sâu rộng không chỉ vào cách người dân trên toàn cầu sinh hoạt mà còn về phương thức sản xuất và tiếp nhận thông tin. Chuyển đổi kỹ thuật số vì thế không chỉ là một xu hướng mới nổi mà sẽ trở thành con đường lâu dài.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cũng đề cập đến một số công nghệ có thể định hình cho quá trình phát triển báo chí số trong những năm tới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), kết nối 5G và thiết bị thông minh. Đa số những người được khảo sát (69%) cho rằng AI là yếu tố lớn nhất thúc đẩy báo chí trong vài năm tới, tiếp theo là 5G (18%) và các thiết bị mới (9%). Nhiều nhà xuất bản đã sử dụng các công nghệ AI như máy học (ML), tạo ngôn ngữ tự nhiên (NLG) và nhận dạng giọng nói để giúp tìm các câu chuyện và khách hàng mới, tăng tốc sản xuất và cải thiện phân phối.

 Tú Anh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ win - win

Mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp (DN) là mối quan hệ tương hỗ - “win - win” để cùng phát triển. Mối quan hệ này ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang căng mình chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bao-chi-toan-cau-tang-toc-chuyen-doi-so-424030.html