Ông Lê Như Phước An - Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group (Ảnh: Báo Đầu tư)
Chia sẻ tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/4, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, khi nhu cầu điện ngày càng lớn thì vốn cho các dự án để đủ điện phục vụ phát triển kinh tế cũng lớn tương ứng.
Tuy nhiên, để thu hút đầu tư thì khía cạnh lợi ích phải đặt hàng đầu, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân, hay kể cả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng vậy.
Theo ông Hồi, ngành điện đã có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng giá bán điện cho người tiêu dùng cuối cùng vẫn do Nhà nước quyết định, thì doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, kể cả với doanh nghiệp có vốn Nhà nước như EVN trong đảm bảo duy trì cung cấp điện.
"Không thể thu hút đầu tư vào ngành điện nếu không có cơ chế giá điện đủ hấp dẫn nhà đầu tư, từ đó khó đảm bảo an ninh trong cung cấp điện", ông Hồi đánh giá.
Tương tự, ông Lê Như Phước An - Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group cũng thừa nhận những lo ngại về tính rủi ro, cơ chế giá điện không hấp dẫn khiến doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ mỗi khi nghiên cứu đầu tư.
Theo ông An, Trungnam Group đang triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án đưa vào lưới điện quốc gia nhưng khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện các dự án rất nhiều.
Ông An cho rằng, phải giảm được rủi ro, tăng tỷ suất lợi nhuận mới đảm bảo thu hút vốn đầu tư vào các dự án điện. Mặt khác, cơ chế giá hiện cũng khá bất lợi với nhà đầu tư.
Lãnh đạo Trungnam Group cho biết, công ty đã đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng cũng như chi phí vận hành từ năm 2020 cho đến nay, nên việc chỉ khai thác một phần công suất của dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam do chưa có cơ chế giá điện là đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc đảm bảo dòng tiền và trả nợ ngân hàng.
Hiện, Trungnam Group là doanh nghiệp tư nhân duy nhất của Việt Nam tham gia vào quá trình truyền tải điện với Trạm biến áp 500kV và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (Trạm 500kV Thuận Nam - Ninh Thuận).
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo đặc biệt là gió và mặt trời đã tạo ra lượng công suất lớn được hòa vào lưới điện quốc gia. Sự phát triển này gây ra quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải, dẫn đến rất nhiều dự án phải cắt giảm công suất gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Theo ông An, cơ chế giá điện có nhiều điều bất lợi cho nhà đầu tư theo các dự thảo về cơ chế giá của Bộ Công thương công bố gần đây. Trong đó, việc giá điện tính bằng VND thay vì USD sẽ có rủi ro cho nguồn vốn từ nước ngoài vào.
Cùng với đó, giá điện được xác định đến năm 2025. Tuy nhiên, cụ thể cơ chế xác định giá sau năm 2025 theo hình thức đấu giá đấu thầu được thực hiện ra sao nhà đầu tư chưa được biết.
“Nhà đầu tư có cảm giác rằng rủi ro đang đẩy về phía nhà đầu tư. Đây là yếu tố khá bất lợi, gây ra khó khăn trong việc kêu gọi nguồn vốn trong và ngoài nước”, ông An chia sẻ.
Hậu Lộc - TTTĐ