Bến Ninh Kiều - Vẻ đẹp 60 năm của một đô thị sông nước Tây Đô

15/08/2018 14:29

Kinhte&Xahoi Bến Ninh Kiều cái tên khá quen thuộc với người dân Thành phố Cần Thơ và khu vực ĐBSCL đã 60 năm qua, vẻ đẹp vẫn còn đó và ngày một phát triển.

Những ngày vừa qua, thành phố Cần Thơ tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm hình thành bến Ninh Kiều. Với Ngày hội Du lịch – Đêm Hoa đăng, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn lý tưởng của người dân Cần Thơ, khách du lịch trong và ngoài nước. Ngày hội là một sự kiện thường niên của Ninh Kiều, góp phần đa dạng hóa cho hệ thống sản phẩm du lịch Cần Thơ, bảo tồn nét văn hóa của thành phố Cần Thơ với thế mạnh của đô thị sông nước.

Khung cảnh bến Ninh Kiều ngày càng thay đổi diện mạo và lung linh khi về đêm.

Bến Ninh Kiều là điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng ĐBSCL, mang vẻ đẹp sông nước hữu tình của mảnh đất Tây Đô hiền hòa, mến khách. Tuy chưa có tài liệu lịch sử nào ghi rõ việc hình thành của bến Ninh Kiều, nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì đã có giai thoại hình thành địa danh này từ thời Gia Long của nhà Nguyễn và bến Ninh Kiều xưa vốn là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ.

Với cái tên là Cầm Thi Giang (tức là con sông của thi ca đàn hát), tên con sông đầu tiên được Nguyễn Ánh đặt khi vào miền nam vì thấy cảnh quan sông nước hữu tình của bến Ninh Kiều ngày nay. Sau đó, bến Ninh Kiều được chỉnh trang đá xây gạch để ngăn sóng dọc theo bờ sông. Lúc này nó chỉ là bến ghe, bến tàu ghe, bến tàu của xứ lục tỉnh do các tàu bè chạy khắp miền Hậu Giang đều ghé bến ở đây mà vận chuyển hàng hóa, đưa rước khách. Lúc này, bến Ninh Kiều tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ đã trở thành tên gọi của bến sông.

Bến Ninh Kiều nhìn ra dòng sông Hậu với chiếc du thuyền Cần Thơ đưa khách du lịch tham quan sông nước Cần Thơ.

Việc giao thương mỗi ngày thêm phồn thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần dần trở thành thắng cảnh du lịch của đất Tây Đô. Người dân ở bến thường gọi bằng cái tên dân dã là bến Hàng Dương vì dọc bờ sông có hàng cây dương hay nhân dân còn gọi tên khác là bến Lê Lợi vì con đường dọc theo mé sông trước đây có tên là đường Lê Lợi.

Vào khoảng năm 1957, bến Hàng Dương đã đổi thành bến Ninh Kiều, nơi đây có công viên cây kiểng và bến dạo mát cho người dân nơi đây. Năm 1958, Công viên và bến Ninh Kiều chính thức được đặt tên. Ngày nay, quanh khu vực bến được đổi tên thành quận Ninh Kiều thuộc Thành phố Cần Thơ. Đường Lê Lợi dọc mé sông nay là đường Hai Bà Trưng, đường này đã trở thành thành phố đi bộ và chợ đêm đầu tiên của thành phố Cần Thơ.

Chợ đêm Ninh Kiều địa điểm mua sắm khi đến tham quan bến Ninh Kiều.

Trải qua 60 năm tròn, bến Ninh Kiều vẫn còn đó, vẫn khoác lên mình vẻ đẹp của một hình ảnh hiền hòa của một công viên du lịch gần gũi, mến khách. Hình ảnh bến Ninh Kiều hiện nay rất nhộn nhịp với rất nhiều lượt người đến đây dừng chân, dạo chơi mỗi ngày. Khung cảnh thoáng mát, thoải mái nên mọi người rất thích được dạo một vòng bến Ninh Kiều, mua sắm, ăn uống ngay khu chợ đêm gần đó.

Đứng ở bến Ninh Kiều du khách có thể ngắm được khung cảnh lung linh của Cầu Cần Thơ, nhìn sang Xóm Chài và hướng Cồn Ấu ở đầu vàm sẽ thấy một dải cù lai nhiều cây lá, đồng thời nếu đứng từ bên kia sông hình ảnh bến Ninh Kiều  và phố thị Cần Thơ khi lên đèn đẹp ngây ngất.

Cần Thơ về đêm nhộn nhịp bởi cảnh mọi người xuống đường vui chơi, ăn uống, giải trí và bến Ninh Kiều là điểm đến mà ai cũng muốn xuống đây để tìm cảm giác thoải mái nhất. Những bạn sinh viên kéo nhau ra đây nói chuyện, dạo chơi hay các cô chú lớn tuổi cùng nhau đi bộ, tập thể dục; các em nhỏ nô đùa, được ba mẹ dẫn đi chơi, mua đồ ăn…

Cầu đi bộ Cần Thơ nối bến Ninh Kiều với cồn Cái Khế TP Cần Thơ.

Từ Bến Ninh Kiều, mọi người có thể đi bộ tiếp cho đến cầu đi bộ, cầu bắc qua rạch Khai Luông, nối bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế. Cầu đi bộ là địa điểm mà người dân và du khách không thể bỏ lỡ khi đến bến Ninh Kiều.

Ngày hội Du lịch – Hoa đăng Ninh Kiều là ngày hội kỷ niệm 60 năm hình thành bến Ninh Kiều. Đây là dịp để người dân thành phố và du khách vui chơi, thỏa thích ngắm nhìn hoa đăng lung linh dưới ánh đèn trên dòng sông Hậu, rạch Khai Luông. Ngày hội có nhiều hoạt động với các gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của các quận, huyện và TP.Cần Thơ.

Với hội diễn “Flashmob – Kết nối tuổi trẻ”, tổ chức giải đua thuyền truyền thống TP Cần Thơ lần thứ III năm 2018, các hoạt động “Hoạt náo dân gian và âm nhạc đường phố”, dịch vụ tàu du lịch phục vụ khách thưởng ngoạn thả hoa đăng trên sông…

Bến Ninh Kiều rực rỡ đèn hoa của Ngày hội Du lịch - Hoa đăng Ninh Kiều Cần Thơ.

Người dân và du khách khắp nơi đã về bến Ninh Kiều để ngắm nhìn và vui chơi cùng các hoạt động ý nghĩa này. Các hoạt động tại Ngày hội còn là cầu nối giao lưu, gặp gỡ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các công ty, doanh nghiệp, du lịch lữ hành, các đơn vị sự kiện để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, quảng bá trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch…

Có thể nói, Bến Ninh Kiều từ lâu đã đi vào ký ức của biết bao người. Bến Ninh Kiều mang vẻ đẹp thơ mộng của miền Tây sông nước, một địa danh lịch sử oai hùng, mang vẻ đẹp tha thướt, đằm thắm của cô giá Tây Đô trong dáng hình chiếc áo bà ba đôn hậu, đằm thắm.

Về Ninh Kiều, ghé thăm Bến Ninh Kiều rồi cùng trải nghiệm cảm giác thích thú ngắm nhìn cảnh sông nước khi đi trên những thuyền, ghe nơi đây. Tận hưởng cảm giác thưởng thức những món ăn đặc trưng của miền quê sông nước, được nghe hát vọng cổ thì còn gì bằng.

60 năm một cuộc đời, 60 năm hình thành bến Ninh Kiều, vẻ đẹp vẫn còn đó, vẫn rực rỡ sắc đẹp thướt tha, hiền hòa bên dòng sông Hậu, càng tô đậm nét đẹp của vùng đất Tây Đô bình yên, phát triển.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhà hàng Hải Ngư Ông - Điểm đến lý tưởng của du khách

Nhà hàng Hải Ngư Ông để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách bởi các tiện ích sang trọng, không gian thoáng đãng, cách chế biến món ăn đa dạng, hấp dẫn cùng với phong cách phục vụ tận tình, chu đáo và thân thiện.