Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý rộng rãi về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

18/03/2023 13:06

Kinhte&Xahoi Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Nguyên tắc xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT

 Theo dự thảo, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng trên các nguyên tắc kế thừa, phát huy kết quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015- 2019 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 2021, 2022; Chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học. Kỳ thi phối hợp hài hòa với lộ trình đổi mới đánh giá quá trình học tập của học sinh theo chương trình GDPT 2018; Đồng bộ với lộ trình tự chủ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa

Kỳ thi cũng phải bám sát chương trình GDPT 2018; bảo đảm đúng quy định của Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT ngày 3/8/2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình GDPT 2018; Thực hiện hiệu quả lộ trình phân cấp trách nhiệm quản lý chỉ đạo tổ chức thi tốt nghiệp THPT: Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung; UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức thực hiện tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương theo quy định của Luật Giáo dục.

Quá trình tổ chức kỳ thi tăng cường ứng dụng CNTT trong các khâu, bảo đảm đồng bộ với quá trình ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý ở các cấp học.

Các môn thi bám sát chương trình GDPT 2018

 Mục tiêu, yêu cầu tổ chức thi được đề ra trong dự thảo phương án là: Đánh giá đúng kết quả học tập, rèn luyện theo mục tiêu cần đạt của chương trình GDPT; Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Đối tượng dự thi và đăng ký dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi, hoặc đã hoàn thành chương trình THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, người học đã có Bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Người học đăng ký dự thi theo cơ sở giáo dục nơi học xong lớp 12 trong năm tổ chức kỳ thi hoặc tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định. Hồ sơ đăng ký dự thi được chuyển về Sở GD&ĐT để xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức thi.

Nội dung thi nằm trong chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT.

Về lộ trình thực hiện: Giai đoạn 2025 - 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả CNTT, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Giai đoạn sau 2030: Phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Về môn thi, hình thức thi: Tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Thí sinh học chương trình chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Bộ GD&ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước; đồng thời có sự linh hoạt, ứng phó với các tình huống chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Công tác tổ chức thi thực hiện như thế nào?

 Bộ GD&ĐT: Chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các địa phương: Chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ.

Đánh giá tác động của phương án, Bộ GD&ĐT cho biết, về ưu điểm, tác động tích cực: Kế thừa kết quả thực hiện của giai đoạn trước, thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh theo đúng Nghị quyết 29-NQ/TW.

Bảo đảm phân cấp, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng tính chủ động trong tổ chức dạy học và thi, kiểm tra, đánh giá phù hợp với lộ trình triển khai chương trình GDPT 2018; bảo đảm độ tin cậy của kết quả thi để khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đánh giá được năng lực của học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình GDPT 2018.

Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn trong số các môn thí sinh đã chọn học ở bậc THPT đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn, bảo đảm đánh giá được các năng lực cốt lõi cơ bản, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở bậc học THPT.

Đề thi theo định hướng đánh giá năng lực

Những vấn đề cần quan tâm, theo Bộ GD&ĐT, để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực.

Bộ GD&ĐT cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 7 môn bao gồm môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1 (gồm 7 ngoại ngữ khác nhau), Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học. Trong đó có 3 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.

Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có SGK lớp 12 và với nhiều bộ sách khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ gặp áp lực về thời gian.

Cần phải huy động nguồn lực lớn để ứng dụng mạnh CNTT, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi trong tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện theo sự tiến bộ của người học, bảo đảm nhu cầu học tập suốt đời phù hợp với hội nhập quốc tế chưa đồng đều giữa các địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện để thực sự đồng bộ và hệ thống, bảo đảm là điều kiện để thi, kiểm tra đánh giá khách quan, công bằng.

Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa cấp bộ, cấp địa phương và cấp trường trong thi, kiểm tra đánh giá.

Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công ty CP TV và XD Phú Xuân “một mình một ngựa” trong đấu thầu?

Ngày 9/3, Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đã công bố Biên bản E-HSDXKT (Biên bản mở gói thầu XL03.22). Biên bản cho thấy, Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân đã dễ dàng trúng gói thầu trên 92,2 tỷ đồng do không có doanh nghiệp nào cùng tham gia.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-gddt-lay-y-kien-gop-y-rong-rai-ve-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-219701.html