Bộ, ngành, địa phương cần xác định trách nhiệm trên mạng xã hội

07/11/2023 20:21

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các bộ, ngành, địa phương xác định trách nhiệm của mình trong thế giới thực như thế nào thì trên mạng xã hội như vậy.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng).

Hoàn thành phủ sóng 420 điểm lõm sóng trước tháng 6-2024

Chiều 7-11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) về phủ sóng các vùng sâu, vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ năm 2021, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc dạy và học chuyển sang hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng, sở thông tin và truyền thông các địa phương rà soát từng vùng lõm sóng.

Đến nay, đã có 2.100 vùng lõm sóng được phủ sóng. Năm 2023, các địa phương có phát hiện thêm và sau khi rà soát, xác định còn 420 điểm lõm sóng phải phủ tiếp, Bộ đã đưa vào kế hoạch, dự kiến hoàn thành trước tháng 6-2024.

Có điểm khó là còn 150 điểm vùng lõm chưa có điện, Bộ đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam bàn giải pháp đưa điện đến vùng này. Trong tình huống khó sẽ dùng tới giải pháp điện mặt trời. “Về phủ sóng tới vùng sâu, vùng xa, Việt Nam là một trong những nước làm tốt vì có Quỹ Viễn thông công ích do các nhà mạng đóng góp”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

Thực hiện nghiêm tháo gỡ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) về kiểm soát, xử lý các quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ bản những quảng cáo này thực hiện trên mạng xã hội và đặc biệt là mạng xã hội xuyên biên giới.

“Chúng ta đã đạt cơ chế làm việc với các mạng xã hội để tháo gỡ thông tin quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu độc; thể chế hóa trong các văn bản pháp luật về trách nhiệm của mạng xã hội, quy định thời gian tháo gỡ. Tỷ lệ thực thi yêu cầu quản lý nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội rất nghiêm. Vấn đề là chúng ta phải phát hiện và báo cáo để tháo gỡ”, Bộ trưởng nêu.

Về trách nhiệm này, Bộ trưởng nêu thêm, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương quản lý nội dung gì trong thế giới thực thì phải di chuyển và thực hiện quản lý nội dung đó trên không gian mạng. Các khó khăn, vướng mắc trong thực thi sẽ được hai bộ nòng cốt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hướng dẫn tháo gỡ.

“Hiện nay, các bộ, ngành và địa phương lên không gian mạng chưa nhiều và cho rằng quản lý thông tin sai sự thật, xấu độc là trách nhiệm riêng thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Công an. Một lần nữa tôi mong muốn các bộ, ngành, địa phương xác định trách nhiệm của mình trong thế giới thực thế nào thì lên mạng như thế”, Bộ trưởng chia sẻ.

Giải pháp căn cơ là xây dựng văn hóa số

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng xem như là bạo hành. Ví dụ, vụ việc liên quan đến Hoa hậu Ý Nhi và phim “Đất rừng phương Nam” thì cách bảo vệ như thế nào hay là phải chờ cá nhân khiếu nại, kiến nghị?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các quy định về quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP, là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có quy định xử lý việc xâm hại đời tư trên mạng xã hội.

Về xây dựng các thiết chế hỗ trợ người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâmxử lý tin giả và thời gian tới sẽ thành lập các trung tâm này ở cấp tỉnh.

Để thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực này nghiêm minh, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Công an trong xử lý hình sự một số vụ việc xâm hại đời tư, như vụ việc bà Phương Hằng, mang tính răn đe cao.

Theo Bộ trưởng, giải pháp căn cơ là xây dựng văn hóa số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản để người dân tăng sức đề kháng, tự bảo vệ mình, biết cách ứng xử trên mạng xã hội. Dù ra đời chưa đến một năm nhưng số lượng người vào học đã đạt hơn 20 triệu người.

“Trên không gian mạng, cái hay bao nhiêu, tệ nạn tương đương bấy nhiêu nên cần tăng cường truyền thông để người dân nhận diện, phòng tránh, tự bảo vệ mình...” Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nói về tầm quan trọng của giải pháp truyền thông.

Cùng trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hai bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong tháo gỡ, ngăn chặn thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quy tắc ứng xử với đội ngũ làm công tác nghệ thuật.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Riêng về nội dung có liên quan đến bộ phim "Đất rừng phương Nam", Hội đồng duyệt phim quốc gia đã họp, khẳng định bộ phim không vi phạm Luật Điện ảnh và đã cấp phép công chiếu.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, dư luận trên mạng xã hội cho rằng bộ phim này có vấn đề là chưa chuẩn xác, nếu cần thiết sẽ xem xét xử lý theo quy định hiện hành về các hành vi xúc phạm, bôi xấu.

Bảo Hân - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quy định mới về nhập khẩu sản phẩm dệt may vào Trung Quốc

Bộ Công Thương vừa cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo Lệnh số 259 và Thông báo số 120 liên quan đến việc áp dụng biện pháp quản lý chấp nhận kết quả giám định đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm may mặc vào thị trường Trung Quốc.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/bo-nganh-dia-phuong-can-xac-dinh-trach-nhiem-tren-mang-xa-hoi-647276.html