Các hãng hàng không đang lừa dối khách hàng?

24/05/2021 10:06

Kinhte&Xahoi Vừa nhận được cơn mưa lời khen vì đưa ra chính sách đổi hoàn vé cho hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng ngay sau đó, nhiều hãng hàng không bị vạch trần hành vi thu tiền phí dịch vụ dù chuyến bay bị hủy.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam hoàn trả giá dịch vụ phục vụ hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần

Hủy chuyến bay vẫn ăn chặn phí dịch vụ

 Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam phải hoàn trả giá dịch vụ phục vụ hành khách và an ninh soi chiếu khi hành khách hoàn, hủy vé máy bay. Văn bản gửi tới các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines trong bối cảnh nhiều hành khách lên tiếng “tố” nhiều hãng chưa thực hiện hoàn trả giá dịch vụ phục vụ hành khách (PSC) và giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý (PSSC) khi hành khách thực hiện hoàn, hủy vé máy bay.

Trước tính chất nghiêm trọng của vấn đề, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phải làm rõ. Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT, phí soi chiếu an ninh tại sân bay là 20.000 đồng/hành khách. Phí phục vụ hành khách tại sân bay chia theo 3 nhóm với các mức 60.000 - 80.000 - 100.000 đồng/hành khách. Hãng hàng không sẽ thu hộ cho sân bay (gộp vào giá vé) và chuyển phí này cho cảng hàng không theo số lượng hành khách đi máy bay thực tế, hãng hưởng 1,5% công thu hộ. Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, trong trường hợp hành khách hoàn, hủy vé máy bay thì khoản PSC và PSSC hãng đã thu của khách không thuộc khoản tiền hãng phải thanh toán cho DN cung ứng dịch vụ phục vụ hành khách, dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý. Do đó, việc trả PSC và PSSC khi hành khách hoàn, hủy chuyến là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không phải hoàn trả ngay những khoản phí trên khi hành khách thực hiện hoàn, hủy vé máy bay. Đồng thời đề nghị các hãng hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện, công khai, minh bạch thông tin về quyền lợi của hành khách, thủ tục và mức thu xử lý hoàn tiền PSC, PSSC khi hành khách hoàn, hủy vé máy bay.

Một điều khá đặc biệt là văn bản của Cục Hàng không Việt Nam ban hành gần như ngay sau thời điểm các hãng bay loan tin về chính sách hỗ trợ đổi, hoàn vé cho hành khách có chuyến bay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Khi thông tin này phát đi chưa được bao lâu, nhiều hành khách đã lên tiếng “tố” các hãng bay “ẵm” luôn tiền phí sân bay mà họ thu hộ cho các đơn vị quản lý cảng hàng không. Cụ thể, trong cơ cấu giá vé máy bay nội địa hiện có: Giá vé máy bay của hãng, thuế VAT, phí an ninh soi chiếu, phí sân bay, phí quản trị, phụ thu xăng dầu... Hai khoản phí trong số này là PSC, PSSC - những khoản phí mà các hãng hàng không thu hộ đơn vị quản lý sân bay. Thực hiện thu hộ khoản tiền này, các hãng đã gộp những khoản phí nói trên trong tiền vé máy bay, vì vậy hành khách phải thanh toán đầy đủ. Hãng sẽ chuyển phí này cho cảng hàng không theo số lượng hành khách đi máy bay và được hưởng 1,5% công thu hộ. Trong trường hợp chuyến bay của hành khách, các hãng bay phải hoàn trả lại tiền PSC, PSSC. Điều làm nhiều hành khách bức xúc là mặc dù các hãng hàng không ra rả nói về chính sách hỗ trợ đổi, hoàn vé cho những hành khách có chuyến bay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng lại cố tình “ăn chặn” tiền PSC, PSSC.

Hành khách vẫn là người chịu thiệt

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, việc làm như trên của các hãng hàng không chẳng khác nào hành vi “nói một đằng, làm một nẻo”. “Nếu mới nghe qua chính sách hỗ trợ đổi, hoàn vé mà các hãng hàng không đưa ra cho hành khách, ai cũng nghĩ họ đối đãi rất tốt với “thượng đế” của mình. Nhưng ngay sau đó, khi hoàn vé cho khách họ lại không chịu trả tiền PSC, PSSC. Như thế là đàng hoàng” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.

Chuyên gia giao thông này cho rằng, thời gian gần đây, các hãng bay đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mại, đặc biệt là các loại vé máy bay giá rất rẻ nhưng lại gia sức tăng khoản phụ thu để bù lại tiền vé. Điều này dẫn tới việc dù giá vé máy bay rất rẻ nhưng để bước chân lên được máy bay, hành khách phải mất thêm một khoản tiền phụ phí không nhỏ. Cuối cùng, số tiền hành khách phải bỏ ra để mua một vé máy bay giá rẻ cũng chẳng rẻ hơn là bao so với giá vé máy bay thông thường. “Đây là một hình thức đánh tráo khái niệm. Thay vì thu tiền từ giá vé thì họ lại thu tiền từ phụ phí, tính ra tổng thu vẫn không bị ảnh hưởng nhiều trong khi lại được tiếng là bán vé rẻ cho khách. Người chịu thiệt cuối cùng vẫn là hành khách mà thôi” – TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, tổng những khoản phụ thu mà các hãng hàng không đưa ra với vé máy bay giá rẻ hiện nay trung bình khoảng 400.000 – 600.000 đồng/vé. Trong đó phí quản lý hệ thống chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra còn một số loại phụ phí khác cũng được tính vào giá vé máy bay như thuế VAT (tỷ lệ 10% cho mỗi khoản thu); phí an ninh sân bay (20.000 đồng/khách); phí sân bay quốc nội (100.000 đồng/khách). Cộng hết vào sẽ ra một con số không nhỏ. “Mới đây, các hãng đồng loạt tuyên bố tăng phí dịch vụ lên khoảng 100.000 đồng/chặng nữa. Đây là phí quản trị hệ thống. Như vậy, sắp tới số tiền phụ phí mà hành khách phải trả sẽ còn cao hơn nữa” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Gần đây, các hãng bay một mặt tuyên bố sẽ hỗ trợ tối đa hành khách bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đơn cử như chính sách hỗ trợ đổi, hoàn vé, mặt khác lại ăn chặn tiền PSC, PSSC đồng thời lại tăng phí dịch vụ giữa mùa dịch. Điều này cho thấy họ chỉ quan tâm đến túi tiền của mình, chứ cái gọi là “bảo vệ quyền lợi hành khách” vẫn còn xa xỉ lắm.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long

 Qúy Nguyễn - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/cac-hang-hang-khong-dang-lua-doi-khach-hang-420774.html