Các nước ASEAN nỗ lực hồi sinh ngành du lịch

22/02/2022 14:16

Kinhte&Xahoi Một số nước trong khu vực ASEAN thông báo sẽ đón du khách quốc tế đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Điều này tạo cú hích rất cần thiết cho ngành công nghiệp không khói vốn bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh hồi sinh.

Tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2022 (AMMR) ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/2 vừa qua, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhận định thỏa thuận hành lang du lịch ASEAN (ATCAF) đang diễn ra chậm và cần được tăng tốc nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Marsudi khẳng định, ATCAF có thể được thực hiện thông qua các thỏa thuận song phương cũng như toàn diện. Bà Marsudi nhấn mạnh: “Vì lý do này, Indonesia khuyến khích đẩy nhanh việc triển khai ATCAF thông qua các thỏa thuận song phương cũng như mở cửa toàn diện với các quy trình nghiêm ngặt về y tế”.

ASEAN đã thảo luận về ATCAF từ năm 2020 nhằm cho phép người dân trong khu vực tự do đi lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, để thúc đẩy phục hồi du lịch, phát triển kinh tế, từ cuối tháng 1/2022, Indonesia đã mở cửa Nongsapura ở đảo Batam và Lagoi ở đảo Bintan cho du khách đã được tiêm phòng đến từ Singapore mà không cần cách ly khi nhập cảnh.

Khách du lịch nội địa đến Bali, Indonesia

Indonesia cũng mở cửa hòn đảo Bali đón tất cả du khách quốc tế bắt đầu từ ngày 4/2 vừa qua. Trong khi đó, hồi đầu tháng này, Thái Lan đã nối lại chương trình "Xét nghiệm và đi" - một cơ chế du lịch không cách ly, mà chỉ cần du khách đã tiêm đủ liều vắc xin và mua trước bảo hiểm sức khỏe với mức chi trả ít nhất 50.000 USD.

Có ngành du lịch rất phát triển, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mở cửa cho du khách nước ngoài mà không cần phải cách ly bằng các tour du lịch “Phuket sandbox” vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế đất nước chùa vàng, khi mở cửa rộng rãi, ngành du lịch Thái Lan có thể bị ảnh hưởng do sự thiếu hụt các cửa hàng, dịch vụ.

Đơn cử như khu vực trung tâm Patpong của thủ đô Bangkok, buổi tối vẫn còn khá yên ắng. Trước đại dịch COVID-19, nơi đây là một trong những tụ điểm giải trí nhộn nhịp nhất thế giới, thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến tham quan, giải trí.

Du khách thăm Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, Thái Lan

Ngành du lịch đóng góp 1/5 tổng sản phẩm quốc nội Thái Lan trước đại dịch, với gần 40 triệu du khách nước ngoài và tạo ra hơn 60 tỷ USD năm 2019. Vào đầu tháng 2/2022, chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đã bắt đầu cho phép khách quốc tế đã tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 được nhập cảnh mà không phải tuân thủ quy định cách ly.

Giống như nhiều quốc gia khác coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, Thái Lan đang mong muốn đẩy nhanh quá trình khởi động ngành du lịch trở lại. Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế tờ Bloomberg, ít nhất đến năm 2024, ngành du lịch Thái Lan mới quay trở lại như thời kỳ trước đại dịch.

Chính phủ Thái Lan đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hồi sinh ngành du lịch bao gồm chương trình trợ giá hỗ trợ tiền phòng khách sạn, vé máy bay và ăn uống cho du khách trong nước. Năm nay, Thái Lan dự kiến đón gần 10 triệu du khách nước ngoài.

Khi ít nhất 80% dân số đã được tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19 và tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã quyết định dần mở cửa trở lại theo từng giai đoạn. Trong đó với sự thận trọng và trách nhiệm cao, Campuchia đang dần nới lỏng các quy định về đi lại và cách ly phòng dịch khi nhập cảnh.

Du lịch Campuchia kỳ vọng khởi sắc sau đại dịch

Hiện nay, Campuchia nỗ lực thu hút du khách từ các thị trường an toàn và có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở mức thấp; Đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và dịch vụ phù hợp với bối cảnh mới. Cùng với đó, Campuchia cũng thúc đẩy các hoạt động ngoại giao du lịch bằng cách tăng cường hợp tác với các nước vốn là thị trường chủ chốt.

Ngoài Thái Lan, Indonesia, Campuchia, mới đây Malaysia cũng tuyên bố sẽ thí điểm mở cửa trở lại đảo Langkawi cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ giữa tháng 11.

Hội đồng quốc gia về hồi phục của Malaysia hôm 8/2 cho biết sẽ tư vấn Thủ tướng nước này về việc mở cửa biên giới quốc tế hoàn toàn với tất cả các du khách đã tiêm vắc xin COVID-19 từ ngày 1/3 năm nay mà không yêu cầu cách ly. Dự kiến, Malaysia sẽ chỉ yêu cầu du khách làm xét nghiệm COVID-19 trước khi bay và sau khi nhập cảnh.

Philippines là quốc gia mới nhất rộng cửa đón du khách quốc tế để khôi phục ngành du lịch đã bị ảnh hưởng trong đại dịch. Sau gần hai năm đóng cửa biên giới, Philippines bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm chủng mà không cần cách ly từ ngày 10/2. Du khách đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thị thực chỉ cần có xét nghiệm âm tính 48 giờ khi bay đến quốc gia này. Danh sách miễn thị thực du lịch này gồm nhiều thị trường hàng đầu của Philippines như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada và Anh.

Có thể thấy, trước nhu cầu cấp thiết về tái mở cửa, phục hồi du lịch, mỗi quốc gia trong khu vực đang có những bước đi và chiến lược cho riêng mình. Tuy nhiên, các nước đều ưu tiên sự an toàn và hiệu quả.

Đoàn du khách Hàn Quốc đặt chân đến Phú Quốc cuối năm 2021 theo chương trình hộ chiếu vắc xin

Tại Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất từ ngày 31/3 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, đón du khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 21/2, Tổng cục Du lịch thông tin những điểm mới nhất trong phương án đón khách quốc tế, dự kiến áp dụng từ ngày 15/3; Trong đó quy định du khách có thể đến Việt Nam bằng đường bộ, đường biển và các chuyến bay quốc tế thường lệ, thay vì chỉ đường hàng không như thí điểm.

Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng COVID-19; Có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với test nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR); Với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này. Du khách cần cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian du lịch Việt Nam...

Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.

Các Bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam.

 Hoàng Châu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trợ giúp phát triển doanh nghiệp tư nhân

Đảng, Chính phủ xác định doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng, cần được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững; từ đó nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Vì vậy, trợ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng hàng đầu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 cũng như thời gian tiếp theo…

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cac-nuoc-asean-no-luc-hoi-sinh-nganh-du-lich-190364.html