Cách hút “đại bàng chúa” vào Việt Nam

29/10/2021 14:15

Kinhte&Xahoi Để thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về tính công khai, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp...

Với chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Theo đó, tính đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài

Cụ thể, có 1.375 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giảm 34,5%), tổng vốn đăng ký đạt trên 13 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ); 776 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 14,4%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD (tăng 24,2% so với cùng kỳ); 3.063 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 43,8%), tổng giá trị vốn góp đạt 3,63 tỷ USD (giảm 40,6% so với cùng kỳ).

Thời gian qua, đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 9,9% so với cùng kỳ 2020.

Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,15 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,4 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư, tăng 89,9% so với cùng kỳ.

Về địa bàn, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 84,2% tổng vốn đầu tư của Long An).

TP HCM đã trở lại vị trí thứ hai với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 2,72 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư.

Nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các địa phương có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP HCM dẫn đầu cả về số dự án mới (34,1%), số lượt dự án điều chỉnh (17,7%) và GVMCP (59,4%).

Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút ĐTNN, song xếp thứ hai về số dự án mới (21,8%), số lượt dự án điều chỉnh (14,9%) và GVMCP (12,1%).

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những thành tích trong thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số những hạn chế nhất định.

Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang)

Trong đó, nhiều địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách. Một số địa phương còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương…

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư cũng còn nhiều bất cập, vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu trong khi chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.

Do đó, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; Thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Đối với các địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại thì cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.

Cùng với đó, Việt Nam cần phải rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý; Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; Tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu, các doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ.

Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này thì trước mắt Việt Nam cần giải quyết các vấn đề lớn còn tồn đọng, triển khai các biện pháp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; Sở hữu trí tuệ được đảm bảo, bản quyền, thương quyền cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Châu Âu nói riêng và các doanh nghiệp có vốn FDI nói chung được cấp phép đầu tư.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải bài toán sản lượng khai thác dầu khí

Từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác thực tế cũng như kế hoạch khai thác dầu khí trong nước liên tục sụt giảm, năm sau thấp hơn năm trước. Vậy nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để giải bài toán sản lượng khai thác sụt giảm từng năm?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cach-hut-dai-bang-chua-vao-viet-nam-181555.html