Cám cảnh thực trạng “không thể ly hôn”!

12/08/2019 10:27

Kinhte&Xahoi Đây là một thực tế đáng buồn đang diễn ra khi tiến hành giải quyết nhiều vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Không thể ly hôn vì chồng biệt tăm ở nước ngoài

Đơn cử một vụ việc như sau: Chị A ở xã T, huyện M, tỉnh N, kết hôn với chồng là anh B ở tỉnh H vào năm 2005, hai vợ chồng có với nhau một con chung là cháu C. Năm 2008, anh B đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc (theo diện xuất khẩu “chui”).

Thời gian đầu thì vợ chồng chị còn thỉnh thoảng liên lạc với nhau, chị có biết được nơi ở (địa chỉ) của chồng bên Hàn Quốc. Từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại thì chồng chị là anh B không liên lạc với vợ và cũng từ thời điểm đó, chị và gia đình chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Chị mang con ra Hà Nội sinh sống và làm việc.

Đầu năm 2018, chị làm thủ tục ly hôn gửi Tòa án tỉnh H. Phía Tòa tỉnh H hướng dẫn chị lựa chọn Tòa án nơi bị đơn cư trú để giải quyết cho thuận lợi theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bị đơn đỡ vất vả cho việc đi lại.

Đem đơn về Tòa tỉnh N thì Tòa không thụ lý giải quyết trường hợp của chị vì không có văn bản thỏa thuận giữa hai vợ chồng về việc lựa chọn Tòa án để giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chị cũng không cung cấp được thông tin về địa chị cụ thể của người chồng của mình bên Hàn Quốc. Vì vậy, việc ly hôn của chị với chồng bị tắc không giải quyết được.

Đây chỉ là một trong số vô vàn những vụ việc vướng mắc trong thực tiễn xét xử Tòa án khi giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã được Bộ Tư pháp tổng hợp trong quá trình sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Theo đó, đa số là các trường hợp người Việt Nam đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, hết thời hạn hợp đồng lao động không về nước mà trốn ở lại sống lưu vong ở nước đó, người vợ (chồng) ở Việt Nam muốn ly hôn với họ, nhưng không biết họ đang ở đâu, không có liên lạc với gia đình. Hoặc trường hợp người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, sau một thời gian sinh sống với vợ (chồng) ở nước ngoài trở về Việt Nam và có yêu cầu ly hôn với chồng (vợ) của mình đang ở nước ngoài.

 Đã có điều kiện “mở”

Các trường hợp này Tòa án đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết, nhất là ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong một số công việc như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định… Tuy nhiên, vẫn không có kết quả, dẫn đến vụ việc không được giải quyết, ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của đương sự.

Từ những khó khăn, bất cập trong việc giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài trên của Tòa án địa phương trong nhiều năm qua, ngày 26/11/2018, TANDTC đã ban hành Công văn số 253/TANDTC-PC hướng dẫn giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ. Quyền ly hôn là một trong những quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Do vậy, trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.

Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

Sau khi xét xử, Tòa án gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Có thể nói đây là quy định mở, tạo điều kiện cho Tòa án cũng như đương sự là nguyên đơn trong việc giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài mà trước đây đã gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết án, dẫn đến lượng án tồn đọng quá nhiều chưa xử lý được. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cần cảnh báo sớm cho doanh nghiệp Việt Nam

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương mới đây cho thấy có 2 vấn đề: xu thế bảo hộ đang gia tăng; tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao.

Nguồn: Pháp luật Plus