Cần hiến kế gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công cho miền Trung và Tây nguyên

18/07/2020 20:33

Kinhte&Xahoi Làm việc với các tỉnh thành phố vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên tại TP Đà Nẵng, sáng nay, 18/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại "không than khó, kể khổ" mà phải hiến kế tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho các địa phương trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo Thủ tướng, miền Trung là nơi có truyền thống cách mạng, con người chịu thương chịu khó. Thế nhưng, thời gian qua, tình hình giải ngân vốn đầu tư công quá chậm. Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, Giám đốc các sở ngành liên quan.

Xác định muốn đẩy nhanh vốn đầu tư công, cần những chính sách đột phá táo bạo, người đứng đầu Chính phủ đồng thời yêu cầu, bộ ngành phải đưa ra cơ chế tháo gỡ khó khăn nguồn lực cho các tỉnh miền Trung. Các địa phương phải giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kiến nghị hợp tác vùng...

"Các tỉnh thành phố cần kết nối sân bay cảng biển, hạ tầng quan trọng của các tỉnh miền Trung Tây nguyên, đặc biệt là quan tâm đến người nghèo, gia đình chính sách với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng nêu rõ.

Hội nghị tập trung tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công

Tại buổi lãm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hầu hết đều tăng trưởng âm, GDP nước ta đạt 1,81%. Vùng kinh tế miền Trung có hạ tầng tương đối lớn, có 6 sân bay có cảng nước sâu Vân Phong là cảng trung chuyển quốc tế, nhiều cảng loại 1, loại 2. Biển miền Trung có vị trí quan trọng, là bệ đỡ cửa ngõ của vùng kinh tế Tây nguyên và các nước Đông dương. Với vị trí quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều dư địa phát triển. Về tăng trưởng GRDP giảm hơn 3% so với cùng kỳ và thấp hơn nhiều so với cả nước. Trong số 12 tỉnh thì có 7 tỉnh tăng trưởng dương, 4 tỉnh tăng trưởng âm. 

Về giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm, Tổng vốn đầu tư kế hoạch năm 2020 của 2 vùng là trên 63 nghìn tỷ đồng, trong đó số vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2019 sang giải ngân trong năm 2020 là trên 11 nghìn tỷ đồng, số vốn giao kế hoạch trong năm 2020 là 52 nghìn tỷ đồng, trong đó kế của vùng miền Trung là trên 38 nghìn tỷ đồng, vùng Tây Nguyên trên 14 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước trung ương, lũy kế đến ngày 30/6/2020, giải ngân vốn giao trong kế hoạch năm 2020 vùng miền Trung và Vùng Tây Nguyên giải ngân bình quân lần lượt là 34,2% và 31,5% thấp hơn bình quân chung khối địa phương là 35,5%. Trong đó: Đối với Vùng miền Trung Tỷ lệ giải ngân trên 40% có 01 địa phương: thành phố Đà Nẵng trên 45%; Tỷ lệ giải ngân từ 30-40% có 4 địa phương: Bình Định 37,5%, Quảng Ngãi 34,2%, Quảng Nam và Phú Yên trên 33%;

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, kinh tế của 2 vùng giảm nhanh, thấp nhất trong vòng 10 năm quá, nhất là công nghiệp, khí đốt, thương mại dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài thấp, hầu hết là dự án nhỏ, chưa có dự án mang tính động lực. Chưa có kết nối vùng, phát triển giữa các tỉnh trong vùng và giữa các địa phương trong tỉnh không đồng đều. 

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam được đánh giá khả quan hơn. Cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tránh suy thoái ngay trong năm 2020. Tập trung phục hồi sản xuất nông nghiệp, đối với các ngành du lịch dịch vụ tiếp tục kích cầu du lịch, tìm kiếm thị trường mới, triển khai xúc tiến đầu tư có trọng điểm. Các địa phương chuẩn bị sẵn đất đai, nhân lực sẵn sang đón các nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng chuẩn bị sẵn nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp

Về các giải pháp vốn đầu tư công, Bộ KHĐT đề nghị Bí thư, Chủ tịch các địa phương phát huy trách nhiệm người đứng đầu xem nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng; Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đấu thầu; Trường hợp không giải ngân được thì nhanh chóng điều chuyển vốn cho dự án giải ngân tốt; Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị một số cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc về đền bù đất đai để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng công trình, đẩy nhanh vốn đầu tư công.

Vũ Vân Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Zalo shop chưa được cấp phép hoạt động

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Zalo chưa đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.

Đừng vô tình khi viết về doanh nghiệp...

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp đang bị “thấm đòn” COVID-19 nên hơn lúc nào hết, DN cần sự đồng hành, đồng cảm của báo chí để vượt qua khủng hoảng...

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/can-hien-ke-go-kho-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cho-mien-trung-va-tay-nguyen-d129709.html