Cần khẩn trương di dời các nhà máy ra khỏi nội đô

17/08/2024 16:49

Kinhte&Xahoi Tình trạng chậm di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô là do nhiều yếu tố, trong đó có sự thiếu thống nhất và quyết tâm cao từ các cấp chính quyền trong việc thực thi việc di dời. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời.

Trước thực trạng quá tải về hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, cử tri TP. Hà Nội tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.

Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong danh mục cần phải di dời ra ngoài nội thành với lộ trình và biện pháp di dời cụ thể được xác định phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, đảm bảo tính khả thi.

 

Toàn cảnh những nhà máy khu vực quận Thanh Xuân trong diện phải di dời
Công ty Giày Thượng Đình trên đường Nguyễn Trãi cũng thuộc diện phải di dời khỏi nội đô

 

Cơ sở này có diện tích khoảng 36.105 m2

Để triển khai việc di dời, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội chủ trì thực hiện xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện đối với các cơ sở giáo dục đào tạo; Bộ Y tế chủ trì thực hiện đối với các cơ sở y tế cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời; xây dựng danh mục công trình cần di dời cụ thể, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành.

Bộ Xây dựng khẳng định việc di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến tổ chức thực hiện trên thực tế vẫn còn chậm.

Thực tế ghi nhận tại một số khu vực như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai cho thấy dù nằm trong lộ trình phải di dời nhưng hàng loạt nhà máy sản xuất khu vực nội đô đến nay vẫn chây ỳ, bám trụ. Thậm chí một số nhà máy đã có cơ sở mới nhưng vẫn không thực hiện di dời sản xuất một cách triệt để theo chỉ đạo của Thành phố.

Điển hình là trường hợp của Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (Công ty Thượng Đình) nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân. Đây là trường hợp mà UBND TP Hà Nội đã có ý kiến đồng ý chấp thuận việc di dời sản xuất tại địa điểm 277 Nguyễn Trãi, quận Thanh xuân để về Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam kể từ năm 2019.

Nhiều khu nhà xưởng tại Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình đã xuống cấp, cần phải phá bỏ

Theo tìm hiểu thì đến năm 2021 Công ty Thượng đình cũng có Quyết định của UBND TP Hà Nội là phải khẩn trương di dời toàn bộ bộ phận sản xuất tại số 277 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân để quản lý sử dụng đất phục vụ hoạt động kinh doanh theo đúng chức năng nhiệm vụ của công ty.

Tuy nhiên, đến nay Công ty Thượng Đình vẫn chưa thực hiện triệt để việc di dời con người và máy móc đến cơ sở mới mặc dù Công ty cũng đã có nhà máy tại Khu công nghiệp Duy Tiên, Hà Nam với diện tích hơn 3ha, với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ cho việc sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày các loại. Thiết nghĩ UBND TP. Hà nội cũng cần hỗ trợ hoặc kiểm tra giám sát thực thi việc di dời sản xuất theo quyết định đã ban hành những doanh nghiệp tương tự như Công ty Thượng đình.

Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình tiền thân là xí nghiệp X30 thành lập tháng 1/1957

 

Gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng đã cũ và xuống cấp, đặc biệt có nhiều công trình tuổi đời hơn 60 năm nhưng chưa từng được trùng tu, sửa chữa

Trao đổi về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thừa nhận, mặc dù Chính phủ có xác định lộ trình phải di dời các nhà máy xí nghiệp, trong đó từ năm 2014 đến 2016 đã hai lần Thủ tướng xác định lộ trình di dời này, Hà Nội cũng đã có nghiên cứu và chuẩn bị địa thế, nhưng trách nhiệm, tiến độ và kế hoạch di dời vẫn chưa nhận được sự đồng thuận giữa chủ đầu tư, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó là việc thiếu giải pháp xử lý. Tại một số cơ sở công nghiệp hiện nay, mặc dù trách nhiệm phải di dời, trong khi công tác giám sát thiếu phân công trách nhiệm nên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc như tại nhà máy Rạng Đông. Tại các cơ sở mới, thành phố là đơn vị chuẩn bị tuy nhiên nhiều vị trí vẫn không được giải phóng mặt bằng, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Có thể nói, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô, về định hướng và kế hoạch đã có sự quan tâm của Chính phủ, nhưng sự phối hợp giữa chủ quản đầu tư (các bộ, ngành), giữa chủ đầu tư (chủ sở hữu các khu công nghiệp) và thành phố còn chưa chặt chẽ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM