Sự cố sập mạng Facebook đặt ra cho người dùng vấn đề cần thận trọng với việc bảo mật tài khoản của mình. Ảnh: NCSC
Chỉ trong vòng ít ngày qua, 2 sự cố liên tiếp đã xảy ra với Facebook, nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Đầu tiên là lỗ hổng 0-Day cho phép tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển tài khoản từ xa mà không cần người dùng phải thao tác. Sau đó đỉnh điểm là sự cố sập mạng Facebook trên toàn cầu đêm 5-3.
Tuy Facebook đã được khôi phục nhưng người dùng cần hết sức cảnh giác với các “dịch vụ ăn theo" mà mục tiêu là lừa đảo, tấn công người dùng.
Theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ thuộc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, đồng thời là Giám đốc kỹ thuật của Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), thông thường, tin tặc rất "nhạy cảm" với các sự kiện kiểu như thế này, sẽ có nhiều hình thức ăn theo như "hướng dẫn đăng nhập Facebook khi gặp lỗi", "cách khôi phục mật khẩu nhanh nhất"... được đưa ra. Nếu không cảnh giác, người dùng có thể làm theo hướng dẫn và truy cập vào các website lừa đảo, từ đó bị mất thông tin tài khoản, mật khẩu.
Để phòng tránh, trong mọi tình huống, người dùng cần bình tĩnh. Nếu không đăng nhập được tài khoản Facebook, hãy chậm lại một chút, không vội vàng tìm cách đăng nhập trở lại hay khôi phục mật khẩu ngay mà có thể hỏi thêm bạn bè mình có gặp hiện tượng tương tự không. Nếu nhiều người gặp thì nên đợi để nhà cung cấp dịch vụ đưa ra thông báo và giải quyết sự cố.
Cũng liên quan đến sự cố sập mạng Facebook trên toàn cầu tối qua, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã đưa ra cảnh báo người dùng.
Theo đó, người dùng không nên chủ quan mà bỏ qua việc bảo vệ tài khoản cá nhân. Đó là, người dùng cần sử dụng một mật khẩu mạnh, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt.
Khi xảy ra sự cố, cần báo cáo sự cố thông qua mạng xã hội hoặc các liên hệ khác như điện thoại, email. Thông báo cho bạn bè và người thân trong danh sách bạn bè về tình huống và cảnh báo họ không nên tin tưởng hoặc phản hồi vào những tin nhắn lừa đảo.
Ngoài ra, hãy luôn giữ cảnh giác và tuân thủ các biện pháp bảo mật cơ bản như bật xác thực 2 yếu tố, không chia sẻ thông tin cá nhân và mật khẩu với bất kỳ ai, không bấm vào các liên kết không rõ nguồn gốc hoặc tin nhắn đáng ngờ, và cập nhật phần mềm bảo mật định kỳ để tránh các lỗ hổng bảo mật.
Châu Anh - Pháp luật Plus