Công an thành phố Hà Nội khẳng định, cơ quan công an không bao giờ làm việc qua điện thoại và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Người dân cần cảnh giác để không mắc lừa kẻ xấu...

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao bị Công an quận Hà Đông bắt giữ.

Thủ đoạn tinh vi, nhiều chiêu thức mới

Gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị các đối tượng dụ dỗ, mời chào tham gia đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số với lợi nhuận cao, sau đó ngắt kết nối với hệ thống hoặc làm mất thanh khoản để chiếm đoạt toàn bộ số tiền đầu tư. Điển hình một số đồng tiền ảo, như: Coinbank, Meer, BSCL...; sàn tiền điện tử, website đầu tư tiền ảo, như: Cobsna.vip, coin-base-dapp.com, Salavia.vip, blnantrc9.com, blancoins.cc, GICAAP...

Lê Nguyên Giáp (sinh năm 1993 ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) từng bị lừa đảo vì đầu tư tiền ảo nhưng thay vì lấy mình làm bài học cảnh báo, lại quay sang lừa đảo người khác. Giáp đã chủ động nhắn tin cho một người cùng cảnh ngộ ở tỉnh Thái Nguyên, giới thiệu bản thân có quen biết một cán bộ làm ở Bộ Công an có thể giúp lấy lại được số tiền bị lừa đảo. Nạn nhân đã tin tưởng và chuyển tiền cho Giáp 3 lần, tổng số là 100 triệu đồng. Ngày 23-12-2023, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Lê Nguyên Giáp về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Còn nhóm lừa đảo do Nguyễn Đức Tùng (sinh năm 1993 ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông) sử dụng chiêu thức mua hàng nghìn tài khoản Facebook “ảo” đăng bài cần tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao (20% tiền vé). Các đối tượng giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Khi có được niềm tin của bị hại, các đối tượng tiếp tục đặt vé máy bay số lượng lớn để người bị hại chuyển tiền vào tài khoản... Sau khi nhận được tiền, các đối tượng chặn Facebook, xóa toàn bộ thông tin. Từ tháng 6-2023 đến nay, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền khoảng 20 tỷ đồng.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2023, số vụ lừa đảo công nghệ cao tăng gần 70% so với năm 2022. Các đối tượng lừa đảo với nhiều chiêu bài trên không gian mạng và qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, trong đó có nhiều chiêu thức mới.

Cụ thể, sau khi mua thông tin cá nhân, các đối tượng liên tục gọi điện thoại cho những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc mua sắm trực tuyến. Khi nạn nhân tắt máy điện thoại, đối tượng lừa đảo gọi điện thoại lên tổng đài báo mất điện thoại hoặc quên mật khẩu, cần đổi sang điện thoại mới hoặc lấy lại mật khẩu. Vì các ứng dụng này chỉ yêu cầu đọc đúng số căn cước công dân và một số thông tin khác qua điện thoại, nên kẻ xấu dễ dàng vượt qua bước này bằng những thông tin đã mua được trước đó. Sau khi lấy được mật khẩu mới, kẻ xấu truy cập vào tài khoản ứng dụng của nạn nhân để thực hiện các hành vi tiếp theo...

Thận trọng trước những mời chào

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, điều khiến Nguyễn Đức Tùng và đồng bọn có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội là tâm lý hám lợi của các bị hại. Có người liên tiếp chuyển khoản hơn 500 triệu đồng trong vòng 3 ngày mong kiếm được 20% hoa hồng để rồi mất trắng tiền. Đối phó với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, bên cạnh công tác nghiệp vụ, Công an quận Hà Đông sẽ liên tục đưa ra cảnh báo đối với người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua kênh Zalo, Facebook cảnh sát khu vực với người dân...

Để phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin) Nguyễn Phú Lương khuyến cáo, với người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ tại Việt Nam. Tuyệt đối không tin tưởng vào thông tin mời chào, hứa hẹn về “việc nhẹ lương cao” tràn lan trên các website và mạng xã hội Facebook, Zalo. Khi có nhu cầu, người lao động có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp đã được cấp giấy phép tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), địa chỉ: www.dolab.gov.vn.

Khi gặp tình huống bị quấy rối bởi số lạ, việc nên làm đầu tiên là gọi điện thoại đến số máy chăm sóc khách hàng của nhà mạng và báo cáo về sự việc liên tục nhận được các cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Ngoài ra, trong các hoạt động giao dịch trực tuyến, người dùng nên sử dụng hình thức bảo mật gắn với mã xác minh thời gian thực (mã OTP) và tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, triển khai thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an thành phố chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để có biện pháp xử lý hiệu quả.

Chu Dũng - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

2024 - Doanh nghiệp tiếp đà vượt khó

Nhiều yếu tố, hoàn cảnh khách quan và chủ quan diễn ra trong năm 2023 đã tác động sâu sắc, liên tục đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/canh-giac-voi-lua-dao-tren-khong-gian-mang-655342.html