Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần loại bỏ tư duy ‘quyền anh, quyền tôi’

07/07/2020 10:53

Kinhte&Xahoi Trước quan điểm cho rằng rất khó để thuyết phục các cơ quan quản lý tự đề xuất cắt giảm các quy định quản lý chuyên ngành khi mà tư duy quản lý vẫn theo nếp cũ, thậm chí quan niệm “quyền anh, quyền tôi” vẫn tồn tại đâu đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM đã bày tỏ ý kiến của mình.

Với quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

 Cắt giảm điều kiện kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp, những năm vừa qua, chúng ta đã nỗ lực cải cách liên quan đến điều kiện kinh doanh, liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và các chỉ số cụ thể về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của những quy định chồng chéo, mẫu thuẫn trong nhiều văn bản pháp luật. Các văn bản pháp luật này được soạn thảo bởi các cơ quan khác nhau, phân tán bởi nhiều văn bản khác nhau và có thực tế là không phải văn bản nào cũng nằm ở cấp nghị định mà có văn bản nằm ở cấp luật.

Từ góc độ hiệp hội, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh có thể nói là một mục tiêu khó. Vì sao khó, vì cái dễ chúng ta đã làm. Bây giờ những cái khó phải đi vào chiều sâu hơn, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều ngành.  

Thứ hai là phải phụ thuộc rất nhiều vào sự sửa đổi kịp thời của các văn bản pháp luật khác. Thực hiện hành chính mà không căn cứ vào các quy định của pháp luật thì không làm được. Vì bản thân người thực hiện cũng là một công chức, phải thực hiện công vụ của mình theo luật, nên phải chờ đợi văn bản quy định để tổ chức thực hiện.

Thứ ba, đến giai đoạn này, bắt buộc cán bộ ngoài nhiệt huyết cần phải có trình độ. Nếu chỉ có quyết tâm và nhiệt huyết, chính trị nhưng không đủ trình độ thì rất khó đổi mới cũng như tiếp cận trình độ mới, cập nhật thông tin khái quát, toàn diện hơn, tiếp cận với các hệ thống điện tử… đòi hỏi cán bộ phải có năng lực.

Về dư địa, bắt buộc chúng ta phải lựa chọn: Thứ nhất theo nguyên tắc, thủ tục nào có thể bỏ được, ta nên bỏ. Thứ 2, thủ tục nào có thể hậu kiểm được nên chuyển sang hậu kiểm. Thủ tục nào có thể sử dụng bằng điện tử, tin học thì chúng ta nên sử dụng.

Một cách hiểu khác của doanh nghiệp về dư địa của cải cách là pháp luật cần theo kịp với thực tiễn để tạo nên hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh. Ví dụ như kinh tế ban đêm, trong khi dịch Covid-19 đang diễn ra, chúng ta cần tăng cường thị trường nội địa. Liệu có nên xem việc ban hành hành lang pháp lý sớm cho hoạt động này phát triển.

Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, nếu kinh tế ban đêm được khai thác đúng mức thì tăng doanh thu dịch vụ, du lịch nội địa khoảng 25%. Đây là doanh nghiệp hiểu như vậy, vì cải cách cũng phải dựa vào thực tiễn. Tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay, chúng ta nên có những mạnh dạn, táo bạo như vậy. Không nên quản lý, điều hành các văn bản quy phạm pháp luật theo cách cứng nhắc, mà phải kịp thời thay đổi. 

Cũng theo ông Nam, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta có đầy đủ hết yếu tố, nhưng yếu tố con người là người trực tiếp thực hiện dù ở cấp Trung ương hay địa phương mà không thông suốt thì rất khó làm. Đây là một thực tế của Việt Nam.

Chúng ta phải chú ý tâm lý một bộ phận không nhỏ ngại thay đổi, ngại đụng chạm. Nếu chúng ta không coi trọng mục tiêu, đặt quyền lợi của doanh nghiệp, xã hội, đất nước lên trên mà chỉ loay hoay với mục tiêu chỉ để quản lý thì rất khó. Chúng ta phải có quyết tâm cao.

 Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Bày tỏ ý kiến trước quan điểm cho rằng rất khó để thuyết phục các cơ quan quản lý tự đề xuất cắt bỏ các quy định quản lý chuyên ngành khi mà tư duy quản lý vẫn theo nếp cũ, thậm chí quan niệm “quyền anh, quyền tôi” vẫn tồn tại đâu đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, CIEM cũng chỉ rõ: Tôi không nghĩ là cán bộ không nhận thức được việc này. Các bộ, ngành hiện nay cũng biết cách làm thế nào để thực sự hiện đại theo cách quản lý hiện đại. Vấn đề ở đây là sự chần chừ trong việc thay đổi. Chần chừ ở đây có một số lý do tương đối mang tính quyền lợi một chút. Thực sự qua thời gian làm việc với rất nhiều doanh nghiệp và các bộ ngành, chúng tôi thấy sự chần chừ đó còn tồn tại. Tất nhiên ở các bộ, ngành sẽ có những thay đổi khác nhau. Bản thân trong một bộ khi đưa ra những quy định quản lý trong lĩnh vực khác nhau cũng có sự tiếp cận khác nhau.

Thực tế, không có bộ ngành nào tự đưa ra hoặc đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện này, quy định kia. Khoảng 3 năm gần đây, sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với những đánh giá, nhận định một cách độc lập từ các bên liên quan, hiệp hội, từ các phản ánh của doanh nghiệp thì tạo ra áp lực buộc các bộ, ngành phải chủ động rà soát lại các quy định của họ, xem quy định nào thực sự không rõ ràng thì được điều chỉnh sửa đổi lại, quy định nào không hợp lý đã được loại bỏ. “Tuy nhiên, phải thấy rằng, dường như chỉ mới cắt đi hoặc đơn giản hóa những cái đơn giản, còn những cái đem lại quyền lực cho các bộ, ngành thì vẫn còn những quy định như vậy”, bà Thảo nhấn mạnh.

Vì thế, khi rà soát, đánh giá lần này, bà Thảo cho rằng vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Bởi vì họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp và tiếng nói của họ góp phần tạo ra được áp lực để thay đổi. Bên cạnh đó, vai trò của chuyên gia cũng rất quan trọng. Vì chuyên gia có kiến thức chuyên môn, có thể giúp chúng ta nhận diện được với vấn đề bất cập như thế này ta có hướng giải quyết như  thế nào.

Trong việc sửa đổi, rà soát thì vai trò kết nối với hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia để giúp nhận diện đâu là điểm nghẽn cũng như giải pháp tháo gỡ. Bởi có nhiều trường hợp các bộ, ngành nhìn thấy vấn đề, bất cập nhưng họ không biết dùng công cụ, cách thức nào để xử lý bất cập đó.

Vì vậy, sự tham gia của các bên, trong đó doanh nghiệp, chuyên gia cũng như các bộ, ngành có liên quan rất quan trọng. Đồng thời, báo chí là kênh rất hữu hiệu trong việc tạo áp lực để các bộ, ngành thay đổi tư duy, lúc đó chúng ta mới có những cải cách mang tính chất thực chất. Nếu tạo áp lực từ trên xuống, đôi khi chúng ta thấy kết quả mang tính chất hình thức hơn kết quả thực chất từ bản thân bộ, ngành đó chủ động thay đổi.

 Nghị quyết 68 là kết quả hành động trong cả một quá trình mà Chính phủ tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần những cải cách về môi trường kinh doanh. Nghị quyết 68 ra đời trong bối cảnh hết sức ý nghĩa đối với doanh nghiệp. 
 

 Thanh Tùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://vietq.vn/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-can-loai-bo-ngay-tu-duy-quyen-anh-quyen-toi-d175935.html