Ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Vietravel.
Trong buổi tọa đàm "Hậu Covid-19: Vị thế chủ động trước vận hội mới", ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Vietravel, đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm kích cầu du lịch nội địa. Vị này cho rằng cần nhìn nhận thị trường hậu giãn cách xã hội là cơ hội "tái khởi nghiệp" cho các doanh nghiệp ngành này, cả về chiến lược, phương hướng và nguồn đầu tư.
Ông Kỳ đánh giá, mặc dù Chính phủ đã cho triển khai nhiều gói kích cầu du lịch, nhưng không mang lại hiệu quả đồng bộ, không có trọng điểm, mỗi nơi làm một kiểu. "Điều này vô hình trung khiến khách hàng cảm thấy bối rối, không biết nên lựa chọn như thế nào".
Ông đề nghị chia ra 5 trọng điểm vì không thể cùng một lúc du lịch tất cả các tỉnh đều phát triển, tính toán mở rộng thêm ngành dịch vụ ban đêm... Cùng với đó là những hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế hiện tại.
"Công ty lớn như Vietravel gần như chưa nhận được gì. Chính sách giảm VAT chẳng hạn, những tháng vừa qua làm gì có doanh thu mà có VAT? Giãn thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng hạn, mà doanh nghiệp đang lỗ thì cũng không có để nộp" - ông Kỳ tâm sự - "Chính sách được thiết kế theo hướng chung nhưng với du lịch thì cần có chính sách thiết kế riêng để giúp du lịch hồi phục".
Bên cạnh những ưu đãi giảm giá, mở thêm dịch vụ, vị CEO này cũng đưa ra đề xuất Nhà nước tính toán ngân sách, học tập phương pháp mà nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan áp dụng để hồi phục ngành du lịch. Cụ thể, ông Kỳ kiến nghị Chính phủ "tặng 1 triệu đồng với mỗi khách đăng ký đi du lịch tại công ty lữ hành".
Nhẩm tính nhanh với quy mô 10 triệu khách, ông Kỳ ước tính Nhà nước sẽ mất khoảng 10.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ này, nhưng ngược lại, với mức doanh thu 3 triệu đồng/khách cho một gói tour, doanh nghiệp du lịch sẽ có thể thu thêm được 6 - 7 triệu khác. Các doanh nghiệp du lịch sẽ thu về được 30.000 tỷ đồng. Khi hiệu ứng xã hội lan tỏa, đòn bẩy có thể lên tới 1:7. tức là thu về khoảng 70.000 tỷ đồng cho xã hội.
Theo ông Kỳ, khoản tiền này doanh nghiệp hạch toán trừ vào thuế cuối kỳ. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp của du lịch có được khách, kiếm được tiền mà nhiều doanh nghiệp du lịch bổ trợ cũng thu được lợi ích từ 1 triệu đồng đó.
Khi thị trường du lịch nội địa khởi sắc trở lại, hàng trăm nghìn người lao động, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ có việc làm trở lại.
Theo CEO Vietravel, đây là một mũi tên trúng 2 đích và cần nâng tầm lên thành chính sách. Bởi chính sách này vừa có tác dụng thúc đẩy nhu cầu nội địa, khuyến khích khách du lịch lại đem lại nguồn thu vượt trội cho doanh nghiệp và kinh tế nước nhà.
Giang Phạm