Chìa khóa để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững sau dịch bệnh Covid-19

12/12/2021 09:31

Kinhte&Xahoi Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho rằng, yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao...

Nhân lực là yếu tố tiên quyết

Mới đây (5/12), Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã có diễn đàn “Kinh tế Việt Nam 2021 phục hồi và phát triển bền vững”.

Theo báo cáo tổng kết diễn đàn, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn nước ta cho thấy, để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh tiến độ bao phủ vaccine và các trụ cột quan trọng như: Phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoả, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt. Triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; Nâng cao chất lượng thể chế; Có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đồng bộ, hiệu quả... Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao - một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Đại diện của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) cũng cho rằng, nếu chúng ta tập trung đúng mức vào trụ cột nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ thì “lò xo” tăng năng suất lao động có thể được kích hoạt và bung ra mạnh mẽ.

Trong trạng thái bình thường mới, chính kỹ năng lao động sẽ giúp các doanh nghiệp, các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái mà còn đồng thời đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.

Theo đó, trước mắt cần cho kéo dài ít nhất 1 năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ. Thực tế chính sách này sẽ rất khó thành công trong năm nay như dự kiến bởi do tác động của dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh nên chưa ưu tiên thời gian cho việc đào tạo người lao động, nhất là phải chạy cho kịp các đơn hàng cuối năm

Đồng thời, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo tử Quỹ BHTN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động. Đặc biệt là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia không bao phủ.

Lý do là vì vừa qua, nhiều lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông, kỹ năng chưa đáp ứng được sản xuất đã bị đào thảo, do đó, rất nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm. Chính sách này, sẽ thu hút được lượng lớn lao động đã về quê do mất việc, thất nghiệp...đào tạo họ để họ quay lại các khu công nghiệp, các thành phố lớn đang thiếu hụt nhân lực trong thời gian ngắn nhất.

Chính sách này cũng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề lại ngày tăng cao khi đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam, rồi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng mới

Về trung hạn và dài hạn, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao. Cùng với đó, cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trưởng chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cần thêm nhiều chính sách làm “đòn bảy”

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ phân bổ nguồn lực hợp lý vào lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội, ưu tiên khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy của thị trường lao động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: VTV.VN)

Hỗ trợ trực tiếp qua địa phương hay qua doanh nghiệp, chúng ta nên làm trực tiếp, nhiều ý kiến nói không hỗ trợ qua doanh nghiệp, huy động được bao nhiêu lao động thì căn cứ vào đó trả tiền và sẽ trả cho người lao động là tốt nhất.

Nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, thông qua đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tăng nhanh quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo, trong hợp tác công tư, chuyển đổi số để tổ chức đào tạo...

Về hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi thị trường lao động đối với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề như lao động nữ, lao động trẻ, đầu tư vào các chính sách thị trường lao động chủ động bao gồm dịch vụ, việc làm công, việc làm có trợ cấp, tăng cường an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Xây dựng cơ chế và quy trình đối thoại phản ánh tiếng nói của các đối tượng bị ảnh hưởng nhất. Về hỗ trợ doanh nghiệp và người sử dụng lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động những vị trí đầu vào để sớm ổn định sản xuất kinh doanh; hỗ trợ trong chuyển đổi số. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, kiến tạo môi trường vĩ mô, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp; tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ...

Với vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ nghiên cứu hỗ trợ tiền xây nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu vực kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm để giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay.

 Gia Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sản xuất công nghiệp phục hồi: Điểm sáng của kinh tế Thủ đô

Khi chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa, phục hồi và tăng trưởng trở lại với những con số ấn tượng. Có thể nói, hoạt động sản xuất công nghiệp đang tạo ra những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thủ đô cuối năm 2021. Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển ngành công nghiệp theo hướng đi vào chiều sâu, tạo ra giá trị bền vững.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chia-khoa-de-kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-va-phat-trien-ben-vung-sau-dich-benh-covid-19-d172574.html