Chủ tịch Hà Nội nói về việc nhà máy dư nước sạch mà dân vẫn 'khát'

13/05/2019 15:29

Kinhte&Xahoi Theoc, dự kiến đến cuối năm 2020 về cơ bản sẽ phủ sóng nước sạch đô thị cho toàn bộ người dân trên địa bàn.

Hà Nội hiện còn sử dụng nhiều nguồn nước ngầm cho sinh hoạt. Ảnh: Trường Phong.

Tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với công nhân lao động Thủ đô mới đây, công nhân Cty Yamaha Motor kiến nghị, người dân Sóc Sơn vẫn đang phải sử dụng nguồn nước từ nước ngầm, không đảm bảo sức khỏe, đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo cung cấp nước sạch về khu vực Sóc Sơn, đảm bảo sức khỏe cho người dân và những công nhân sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Sóc Sơn không phải là địa bàn duy nhất gặp vấn đề về nước sạch. Theo kết quả giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội hồi năm 2018, tại nhiều địa phương như Gia Lâm, Mê Linh, Đan Phượng, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì... gặp nhiều vấn đề về nước sạch, đặc biệt, những nơi sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước sạch nông thôn.

Ban Đô thị HĐND thành phố chỉ rõ, do phần lớn các công trình cấp nước sạch nông thôn phân tán, có quy mô nhỏ, nhiều công trình xây dựng không đồng bộ. Đặc biệt, chất lượng nước không đảm bảo ổn định, chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch đô thị do công nghệ cũ, lạc hậu, tỷ lệ thất thoát nước lớn do mạng truyền dẫn xuống cấp.  

Cụ thể, theo báo cáo hồi tháng 9/2018 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật – Sở Y tế, kết quả kiểm tra chất lượng nước trên địa bàn thành phố còn 9,5% (4/42 cơ sở) chưa thực hiện công tác nội kiểm vệ sinh, chất lượng nước theo quy định; còn 4,8% (80/1.669 lượt chỉ tiêu) được xét nghiệm chưa đạt chuẩn gồm chỉ số pecmangnat 10 cơ sở, chỉ số amoni 13 cơ sở, chỉ số asen 10 cơ sở...

Trao đổi về vấn đề nước sạch trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện thành phố đang triển khai chương trình phát triển nước sạch, cung cấp cho toàn bộ người dân, cả khu nội thành và ngoại thành.

Để làm được điều này, ông Chung cho biết, trước đây, theo các Nghị định của Chính phủ, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố do các công ty nhà nước làm. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ tháng 6/2016, thành phố đã đề nghị Chính phủ thay đổi Nghị định, mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trên địa bàn.

Theo ông Chung,  đến nay, thành phố đã kêu gọi được 24 nhà đầu tư vào 28 dự án nước sạch, cung cấp hệ thống mạng lưới nước sạch trên địa bàn thành phố. Sau 2,5 năm, thành phố đã nâng tỷ lệ cung cấp nước sạch ở khu vực nội thành tới 100% và giảm tỷ lệ tiêu hao nước sạch từ 24% xuống còn 15%, mỗi ngày đang tiết kiệm được so với cách quản lý trước đây 90 nghìn khối/ngày đêm.  

Ông Chung cũng cho biết, hệ thống các nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư thêm được khoảng  400 ngàn mét khối/ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước sạch cho vùng nông thôn đạt 55% thời điểm 31/12/2018.

“Mục tiêu đến hết 2020, thành phố sẽ phấn đấu toàn bộ khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước đô thị. Chúng tôi ghi nhận ý kiến và sẽ tiếp tục đôn đốc. Vấn đề chậm hiện nay là do đơn vị lắp mạng chậm chứ tổng số nước sạch của thành phố có gần 1,5 triệu mét khối/ngày đêm. Và hiện nay đang dư khoảng 150 ngàn mét khối/ngày đêm”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư để hoàn thành các nhà máy nước sạch sử dụng nguồn nước mặt các con sông.

“Đến tháng 12/2020, các nhà máy nước mặt đạt công suất gần 2 triệu mét khối/ngày đêm. Hiện nay, thành phố đã có chương trình đóng dần các giếng nước sử dụng nước giếng khoan, phấn đấu hết năm 2021 toàn thành phố về cơ bản là sẽ dùng hệ thống nước sạch bằng hệ thống nước mặt”, ông Chung nói, đồng thời cho biết, nếu tiếp tục sử dụng nước giếng khoan, nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến hệ thống nước ngầm, gây sụt lún, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe do một số khu vực đang bị ô nhiễm.

 Theo Tiền Phong/ Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM