Ông Nguyễn Đăng Quang xếp thứ 1.836 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 26/10, cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan đã đóng cửa ở mức 88.000 đồng/đơn vị, đánh dấu mức tăng 61% trong vòng một tháng. So với mức đáy hồi tháng 3, cổ phiếu này đã tăng hơn 78%, đẩy vốn hóa của Masan chạm mốc 4,4 tỷ USD.
Việc cổ phiếu MSN tăng giá mạnh giúp chủ tịch công ty này là ông Nguyễn Đăng Quang quay lại bảng xếp hạng tỷ phú USD sau nhiều tháng. Không chỉ giữ vị trí cao nhất tại Tập đoàn Masan, ông Quang đồng thời là Phó Chủ tịch Techcombank. Cổ phiếu ngân hàng này cũng ghi nhận mức tăng trên 50% trong 6 tháng gần nhất.
Theo thống kê, ông Quang hiện có 1,4 tỷ USD, bao gồm sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua các công ty có liên quan tại Masan và Techcombank, với tỷ lệ lần lượt là 25,4% và 7,3%.
Chuỗi tăng giá của cổ phiếu MSN được cho là chịu ảnh hưởng từ nhiều thông tin liên quan đến tái cấu trúc cổ phần tại Masan. Theo đó, tập đoàn hàng tiêu dùng này hiện có ý định bán bớt cổ phần tại các công ty con thuộc lĩnh vực khoáng sản, thịt và cả công ty bán lẻ.
Hôm 26/10, Masan thông báo sẽ phát hành gần 110 triệu cổ phiếu MSR, tương đương 10% vốn cho cổ đông chiến lược Mitsubishi của Nhật. Tổng giá trị của thương vụ vào khoảng 90 triệu USD, đưa Mitsubishi lên vị trí cổ đông lớn thứ hai tại công ty này.
Trước đó ông Nguyễn Đăng Quang lần đầu tiên gia nhập danh sách tỷ phú thế giới do Forbes công bố vào tháng 3/2019 với khối tài sản đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên ông đã rời khỏi danh sách vào tháng 12/2019 do giá trị tài sản và cổ phiếu MSN giảm mạnh trước những lo ngại về việc sáp nhập mảng bán lẻ của Vingroup sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Masan.
Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3, cổ phiếu MSN tiếp tục giảm sâu về 49.000 đồng.
Trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tiếp tục dẫn đầu với khối tài sản 6,6 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD sau nửa năm. Kết thúc phiên 26/10, cổ phiếu của Vingroup đã tăng 1,1% lên 105.100 đồng, mức cao nhất của tập đoàn này kể từ tháng 3 đến nay.
Đứng thứ 2 trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam là CEO của Vietjet Nguyễn Thị Thanh Thảo với khối tài sản tăng 100 triệu USD lên 2,2 tỷ USD trong nửa năm. Mặc dù không tăng mạnh mẽ như cổ phiếu của Masan, Vingroup, Hòa Phát nhưng thị giá cổ phiếu Vietjet đã phục hồi nhanh chóng trong bối cảnh ngành hàng không gặp khủng hoảng do dịch Covid-19.
Một người đồng nhiệm với ông Quang ở Techcombank là ông Hồ Hùng Anh đứng thứ 3, với tài sản đạt 1,6 tỷ USD.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cổ phiếu của tập đoàn Hòa Phát đã tăng 50% kể từ đầu năm nay và tăng gấp đôi so với lần chạm đáy cuối tháng 3. Forbes định giá khối tài sản của ông Trần Đình Long, chủ tịch Hòa Phát, là 1,5 tỷ USD, xếp thứ 1.763 trong danh sách.
Riêng khối tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương không có nhiều biến động khi giữ nguyên mức 1,5 tỷ USD. Đây là doanh nghiệp duy nhất thuộc sở hữu của tỷ phú Việt Nam mà chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ngọc Diễm - Pháp luật Plus