Chuẩn bị nguồn cung hàng hóa Tết Nguyên đán 2024: Vừa ổn định, vừa linh hoạt

26/10/2023 08:45

Kinhte&Xahoi Còn khoảng 3 tháng nữa là bước vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đang nỗ lực chuẩn bị nguồn cung ổn định với sự linh hoạt tối đa nhằm không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như xảy ra biến động về giá cả.

Người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm thương mại Tasco Mall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Chuẩn bị hàng Tết theo nhu cầu thực tế của thị trường

Bước sang quý IV-2023, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chọn phương án sản xuất, kinh doanh linh hoạt theo nhu cầu thực tế của thị trường.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phúc Sinh (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản) Phan Minh Thông cho biết, năm nay, các sản phẩm giỏ quà Tết của doanh nghiệp sẽ giảm giá khoảng 40% nhưng chất lượng không đổi.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) Nguyễn Ngọc An cho biết, Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Lượng hàng dự trữ chiếm khoảng 10-20% sản lượng. Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá từ 10-20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và giảm giá 30% một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.

Về phía doanh nghiệp bán lẻ, theo Giám đốc vận hành hoạt động kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng, hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước. Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi.

“Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Mức giá bán ra luôn ổn định, tốt nhất cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ngọc Thắng cho hay.

Tương tự, các hệ thống siêu thị khác như MM Mega Market, Satra, AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng tấp nập các đơn hàng lớn, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn

Dây chuyền sản xuất xúc xích tại Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản.

Ghi nhận ý kiến của nhiều nhà sản xuất lẫn phân phối cho thấy, việc giảm giá vào thời điểm cuối năm sẽ là giải pháp tốt nhất để kích cầu tiêu dùng. Do đó, trong chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp đều cho biết sẽ thực hiện giảm giá, khuyến mãi cho các sản phẩm từ 20% đến trên 50%.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, sẽ có những chương trình giảm giá luân phiên từ nay đến Tết Nguyên đán cho người tiêu dùng, với mức giảm linh hoạt từ 30-50%.

Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu chủ động kết nối, khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024; tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Bên cạnh đó, Sở sẽ triển khai tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với việc đáp ứng đa dạng các mặt hàng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý về an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:

 Hỗ trợ doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, giảm chi phí sản xuất

Thị trường trong nước đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế, khi rất nhiều lĩnh vực gặp khó khăn thì 9 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng khoảng 10%. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương cũng như các địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thị trường, vốn, thủ tục hành chính... Do đó, cơ quan chức năng phải tính đến lâu dài, cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, lưu kho, lưu bãi, chi phí đưa hàng vào các siêu thị, trung tâm thương mại… Chi phí sản xuất, lưu thông giảm, doanh nghiệp tiếp tục có cơ hội giảm giá bán nhiều nhất, kích thích được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt thị trường, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm:

Sẵn sàng các chương trình khuyến mại cuối năm

Cuối năm là thời điểm được mong chờ nhất trong năm với những ngày lễ lớn, đặc biệt, đây là thời điểm của những “cơn bão sale” đáng chờ đợi nhất để người tiêu dùng mua sắm.

Từ vài tháng nay, các doanh nghiệp phân phối đã, đang lên phương án tiết giảm tối đa chi phí, đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn người tiêu dùng.

Để có được một chương trình khuyến mại, doanh nghiệp bán lẻ phải nỗ lực rất lớn. Cùng với đó, nhà cung cấp cung ứng nguồn hàng đầy đủ, chất lượng và giá hàng hóa luôn luôn tốt nhất trên thị trường. Tại hệ thống siêu thị của chúng tôi có rất nhiều các chương trình khuyến mại không chỉ trong tháng, mà thậm chí có những chương trình khuyến mại trong tuần và chương trình khuyến mại đặc biệt.

Để kích cầu tiêu dùng, các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức khuyến mại cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam.

Chị Nguyễn Ngọc Linh (phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng):

Phải cân nhắc các khoản chi tiêu

Tôi là công nhân tại một công ty may mặc tư nhân. Gần đây, doanh số của doanh nghiệp không mấy khả quan, thu nhập của nhân viên cũng giảm sút, nên tôi phải cân nhắc nhiều hơn trong các khoản chi tiêu. Để điều chỉnh lại chi tiêu của gia đình, khi mua sắm tôi chỉ hướng tới những sản phẩm có giá cạnh tranh thông qua khuyến mại, giảm giá hoặc quà tặng kèm. Giờ cứ nhãn hàng nào giảm giá là tôi sẽ cân nhắc mua sắm.

Những năm trước, vào các dịp lễ, Tết, siêu thị giảm giá nhiều, tôi thường tranh thủ mua những mặt hàng cần thiết cho gia đình. Năm nay, nếu những sản phẩm sử dụng nhiều như nước giặt, nước xả, dầu ăn… giảm giá mạnh, tôi cũng mua số lượng lớn để về dùng dần. Cùng với đó, nhiều thương hiệu trong năm đều có chương trình giảm giá đến 70%, hay mua 1 tặng 1 nhưng lại chỉ áp dụng đối với một số sản phẩm cũ, còn những mẫu mới thì không giảm hoặc giảm rất ít. Tôi hy vọng nhân dịp lễ, Tết, các nhãn hàng sẽ khuyến mại “khủng” cho cả những sản phẩm mới

Quang Minh ghi 

Thanh Hiền - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/chuan-bi-nguon-cung-hang-hoa-tet-nguyen-dan-2024-vua-on-dinh-vua-linh-hoat-646027.html