Một phần website của Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê. (Ảnh chụp màn hình)
Ngày 06/7/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 137/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (Công ty) (Địa chỉ trụ sở chính: Lô đất CN4.3 khu công nghiệp MP Đình Vũ, khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Thành phố Hải Phòng, Việt Nam).
Theo Quyết định số 137/QĐ-XPHC ngày 6/7/2023, Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và trên trang thông tin điện tử của Công ty các tài liệu sau:
Văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 2/2021 so với quý 2/2020; Báo cáo tài chính (BCTC) (riêng và hợp nhất) năm 2022 đã được kiểm toán; Văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh trên BCTC (riêng và hợp nhất) năm 2022; Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC năm 2022.
Công ty cũng CBTT không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của HOSE các tài liệu sau: BCTC hợp nhất quý 3/2021; Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CĐHH và đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài;
Văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh năm 2021 so với năm 2020 và chênh lệch trước và sau khi kiểm toán; BCTC bán niên (riêng và hợp nhất) năm 2022 đã được soát xét.
Công ty thực hiện nghĩa vụ CBTT định kỳ không đúng thời hạn đối với các tài liệu của đợt trái phiếu riêng lẻ gồm: BCTC năm 2021; Báo cáo tình hình tài chính năm 2021; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn năm 2021).
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê. (Ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, Nhựa Pha Lê còn bị phạt tiền 60 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.
UBCKNN cho biết Công ty không trình bày đầy đủ thông tin tại Báo cáo thường niên, Báo cáo tình hình quản trị công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục IV, V ban hành kèm theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC.
Cụ thể: Báo cáo thường niên năm 2021 chưa trình bày cụ thể về địa bàn kinh doanh tại mục 2 Phần I; chưa trình bày về các công ty con, công ty liên kết.
Báo cáo thường niên năm 2022 chưa trình bày về nội dung: Vốn đầu tư của chủ sở hữu tại Công ty tại mục 1 Phần I; Vốn điều lệ thực góp tại Công ty con, công ty liên kết tại mục 3 Phần I; Hoạt động và tình hình tài chính của các công ty con, công ty liên kết tại mục 3. (b) Phần II; Tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ nước tại mục 6.3, 6.4 Phần II;
Những cải tiến về cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý tại mục 3 Phần III; Danh sách các thành viên HĐQT có chứng chỉ đào tạo về quản trị công ty, danh sách các thành viên HĐQT tham gia các chương trình về quản trị công ty trong năm tại mục 1.(e) Phần V; Giao dịch cổ phiếu của người nội bộ tại mục 3.(b) Phần V; Đánh giá việc thực hiện các quy định về quản trị công ty tại mục 3.
Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021 của Công ty trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch của Công ty với người nội bộ, người có liên quan, Công ty con, Công ty Liên kết của Công ty, cụ thể: Chưa trình bày về giao dịch giữa Công ty với ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT.
Báo cáo tình hình quản trị công ty 06 tháng đầu năm 2022 trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch giữa Công ty với người nội bộ và các bên liên quan, cụ thể: chưa trình bày về vay mượn tiền với Công ty cổ phần (CTCP) Khoáng sản Minh Cầm so với BCTC 6 tháng đầu năm 2022 đã được soát xét của Công ty.
Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch giữa Công ty với các bên liên quan, cụ thể: chưa trình bày về giao dịch góp vốn đầu tư với CTCP Thương mại & Du lịch Tân Việt An; chuyển nhượng cổ phần của Trần Hoài Phong).
Được biết, theo giới thiệu của Công ty CP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê được thành lập vào năm 2008. Khởi đầu từ một nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản quy mô nhỏ, dây chuyền công nghệ thô sơ. Đến nay, Nhựa Pha Lê đã sở hữu 2 nhà máy sản xuất và 2 nhà máy liên doanh liên kết, xây dựng thành công chuỗi khai thác – chế biến sâu – sản xuất sản phẩm đầu cuối, khai thác tối ưu giá trị nguồn tài nguyên khoáng sản thiên nhiên ban tặng.
Hiện Nhựa Pha Lê đang sở hữu 6 mỏ khoáng sản: 2 mỏ đá Granite tại Ninh Thuận, 3 mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nghệ An, 01 mỏ đá tại Tuyên Hóa – Quảng Bình. Trong đó, mỏ CaCO3 (Thung Hung, Quỳ Hợp, Nghệ An) được đánh giá là một trong những nguồn đá cẩm thạch có chất lượng tốt nhất trên thế giới xét về độ sáng và độ trắng, với trữ lượng dồi dào diện tích trên 10 ha.
Với nguồn nguyên liệu thô sẵn có, Nhựa Pha Lê đã tập trung đầu tư vào các phương pháp khai thác tiên tiến nhất, làm chủ công nghệ xử lý, từ đó quản lý chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất nhằm đáp ứng thị trường nội địa cũng như quốc tế với sản lượng đá CaCO3 từ 300,000 đến 500,000 tấn/ năm.
Phạm Duy- Pháp luật Plus