Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 nợ gấp 6,15 lần vốn chủ sở hữu vẫn trúng gói thầu gần 600 tỷ

19/07/2024 10:06

Kinhte&Xahoi Năm 2023, tình hình tài chính Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 cho thấy, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 6,15 lần, thế nhưng vẫn được trúng gói thầu gần 600 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 6,15 lần

Theo thông tin từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023, của Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 (mã cổ phiếu: SC5) cho thấy, tính đến ngày 31/12/2023, vốn điều lệ của công ty này ghi nhận đạt hơn 149 tỷ đồng, trong khi nợ mà doanh nghiệp này phải trả lên tới 2.185 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn. Điều này cho thấy rằng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao gấp 6,15 lần, chiếm đến 86% nguồn vốn của công ty này và lượng tiền mặt ghi nhận chỉ có khoảng 20 tỷ đồng.

Năm 2023, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 ghi nhận tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao gấp 6,15 lần.

Việc Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao gấp nhiều lần so với các các đơn vị cùng ngành. Bởi lẽ, các doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên sàn như Vinaconex có tỷ lệ nợ trên vốn là 2 lần, Coteccons là 1,5 lần, Tổng công ty Xây dựng 1 là 3 lần và Fecon là 1,3 lần...

Tính đến ngày 31/12/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 ghi nhận mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay kể từ khi lên sàn với con số đạt hơn 2.607 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đạt doanh thu hơn 2,6 nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận đem về của công ty này lại là một con số rất khiên tốn khi chỉ đạt trên dưới 30 tỷ đồng mỗi năm.

Cùng với đó, tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 tăng nhẹ 5% so với đầu năm (đạt gần 2.540/2.412 tỷ đồng), tập trung chủ yếu ở khoản phải thu ngắn hạn hơn 885 tỷ đồng, hàng tồn kho gần 850 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2022, thời điểm diễn biến của dịch Covid-19 khốc liệt nhưng Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 vẫn thu về hơn 1.900 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty này công bố cho thấy, vào năm 2019 đạt 33,7 tỷ đồng; năm 2020 đạt 35,2 tỷ đồng; năm 2021 đạt 33,9 tỷ đồng; năm 2022 đạt 22 tỷ đồng; năm 2023 đạt 36,4 tỷ đồng. Và số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 phải nộp hàng năm rơi vào khoảng 9 đến 10 tỷ đồng thế nhưng năm 2022 giảm xuống còn hơn 5 tỷ đồng, không đạt kết quả kinh doanh so với quy mô doanh thu.

Việc tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao luôn được các chuyên gia tài chính cảnh báo về tình hình hoạt động về lâu dài của doanh nghiệp, và nếu kéo dài liên tục nhiều năm thì có nguy cơ doanh nghiệp sẽ không thể có khả năng trả nợ, cùng với việc lãi xuất ngân hàng ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến nợ phình to . Đồng thời, tình hình tài chính và kinh doanh của Công ty Cổ phần xây dựng số 5 nêu trên cho thấy, doanh nghiệp này nếu không khắc phục trong chiến lược kinh doanh sẽ có nguy cơ rất cao dẫn đến "núi nợ".

Trúng nhiều gói thầu từ Nam ra Bắc 

Việc đánh giá khả năng và thực lực của nhà thầu khi tham gia đấu thầu là điều then chốt bắt buộc các đơn vị tổ chức đầu thầu phải xem xét kỹ tiêu chí về năng lực tài chính. Tuy vậy, với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu các năm liên tiếp luôn gấp hơn 3 lần nhưng Công ty Cổ phần xây dựng số 5 lại trúng nhiều gói thầu từ Nam ra tới Bắc là một dấu hỏi cần có câu trả lời.

Đơn cử, như thông tin tại website: Dauthau.info cho thấy, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 liên tục được trúng thầu đối với những gói thầu đầu tư công như: bệnh viện, dân sinh, xây lắp... tại một số tỉnh thành từ Nam ra Bắc.

Dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cáo gấp nhiều lần so với mặt bằng chung các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, nhưng không hiểu khâu đánh giá năng lực tài chính như thế nào trong quá trình thẩm định hồ sơ thầu mà SC5 vẫn trúng gói thầu gần 600 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến quý II/ 2024, Công ty Cổ phần Xây dựng Số 5 đã tham gia 73 gói thầu, trong đó trúng 50 gói thầu với tổng giá trị hơn 14.723 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là hơn 1.894,9 tỷ đồng và tổng giá trị các gói thầu đã tham gia, trúng thầu với vai trò liên danh là 12.828,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các gói thầu mà Công ty Cổ phần xây dựng số 5 trúng đa số tại các tỉnh thành lớn như: Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa… với tỷ lệ trúng thầu lên tới 93,37%. Mặc dù, các gói thầu mà SC5 trúng thầu đều có giá trị rất lớn nhưng tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở mức thấp, thậm chí có những gói thầu tỷ lệ chưa đạt 1%.

Trong đó, phải kể đến gói thầu “EPC-04 Tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị và thi công xây dựng hạng mục khu xử lý nước sạch” do Công ty CP Nước sạch Sông Đà làm chủ đầu tư, có giá trị 595.734.350.000 đồng theo hình thức hợp đồng trọn gói thực hiện trong 350 ngày.

Đây là gói thầu mà SC5 dính nhiều vấn đề liên quan đến tiêu chí có dấu hiệu hạn chế nhà thầu tham dự bị các doanh nghiệp yêu cầu làm rõ.

Cụ thể, tại công văn yêu cầu làm rõ ngày 20/5/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ thông minh có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội đã đề nghị làm rõ tiêu chí: “Tại bảng số 02: Yêu cầu về nhân sự chủ chốt Điều 2.2 Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kỹ thuật - Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thuộc Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT có yêu cầu về kinh nghiệm trong các công việc tương tự của giám đốc dự án như sau: Đã từng đảm nhận chức vụ Giám đốc dự án/Giám đốc ban điều hành tối thiểu 01 công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp nước), cấp 1 (có tài liệu chứng minh cấp công trình, chức danh đã thực hiện và phải được chứng thực hoặc xác nhận của Chủ đầu tư). Trích dẫn theo Khoản 16 Điều 3: Giải thích từ ngữ tại Chương I: Những quy định chung thuộc nghị định 15/2021/NĐ-CP ký ngày 03/03/2021 là: “Chỉ huy trưởng hoặc Giám đốc dự án của nhà thầu là chức danh của cá nhân được tổ chức thi công xây dựng giao nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động thi công xây dựng đối với một công trình hoặc gói thầu cụ thể”.

Đặc biệt, các dự án sử dụng vốn ODA thường sử dụng chức danh Giám đốc dự án/Giám đốc ban điều hành (đối với vai trò quản lý dự án được Chủ đầu tư ủy quyền), còn đối với dự án sử dụng vốn trong nước, Ban chỉ huy công trường của nhà thầu thường sử dụng chức danh Chỉ huy trưởng làm người quản lý, điều hành hoạt động thi công cho dự án.

Theo đó, sau khi đóng thầu ngày 31/5/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ thông minh không đạt tiêu chí được đưa ra và chỉ có 03 nhà thầu được tham dự. Trong đó, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 đấu trúng thầu với giá 590.214.414.052 đồng, giảm hơn 5 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp gần 0,8% tiền cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tại Tp.HCM, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 được phê duyệt trúng 2 gói thầu thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thuộc UBND Tp.HCM làm chủ đầu tư/bên mời thầu, với giá trị lần lượt là 1.734 tỷ đồng và 1.806 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tiết kiệm cho ngân sách được 9,3 tỷ đồng và 25,2 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tiết kiệm là 0,53% và 1,38%).

Đồng thời, tại Tp.Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 cũng được phệ duyệt trúng gói thầu  “Thiết kế, thi công, lắp đặt công trình (EC)” tại Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng có giá trúng thầu 417,2 tỷ đồng, tiết kiệm 2,1 tỷ đồng (tỉ lệ 0,52%).

Tại Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 - WASE trúng gói thầu EPC với giá trị 1,2 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm 9,3 tỷ đồng, tương đương 0,72%.

Ngoài ra, tại gói thầu do Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp Hồ Văn Thống đã ký quyết định phê duyệt cho Công ty Cổ phần Xây dựng số 5  trúng Gói thầu thi công xây dựng tòa nhà giảng đường và cung cấp lắp đặt thiết bị cho công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Nhà Giảng đường và các phòng làm việc bộ môn Trường Đại học Đồng Tháp với giá trúng thầu gần 80.757 tỷ đồng (giá gói thầu là gần 80.847 tỷ đồng). Gói thầu này chỉ giảm cho ngân sách hơn 90 triệu đồng - tiết kiệm ngân sách 0,1% so với giá gói thầu.

Tương tự, tại tỉnh Hải Dương, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 đã trúng gói HD-PW-08: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và kết nối hộ gia đình cho các khu vực còn lại của phía Tây Tp.Hải Dương tại Ban Quản lý dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực thành phố Hải Dương có giá trúng thầu 315,354 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 52 triệu đồng (tương đương 0,016%).

 SC5 trúng thầu tại tỉnh Hải Dương.

Việc Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 trúng thầu từ Nam ra Bắc cùng tình tiết giống nhau nêu trên khiến dự luận không thể không đặt câu hỏi về quy trình xem xét năng lực thực hiện dự án, quy trình lựa chọn đơn vị trúng thầu, quy trình giải ngân, nguồn vốn trong năm 2023 của các dự án này liệu có gây thất thoát ngân sách hay không?

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quốc Oai (Hà Nội): Cần xử lý nghiêm dự án tái chế rác thải không phép

Hiện nay, Dự án khu tập kết, xử lý, tái chế phế thải công nghiệp tại chỗ của hộ ông Đào Văn Tuấn (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) xây dựng ‘chui’ trên đất nông nghiệp. Thế nhưng, sai phạm trên không được các cấp chính quyền xử lý triệt để, đã tạo điều kiện hình thành khu tái chế rác thải không phép gây ô nhiễm môi trường.

Công ty CP Xây dựng và Thương mại Việt Vương trúng nhiều gói thầu với tỉ lệ tiết kiệm thấp

Từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Việt Vương trở thành cái tên 'quen thuộc' khi liên tục trúng hàng loạt gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA-ĐTXD) quận Ba Đình làm chủ đầu tư với tổng giá trị trúng thầu gần 470 tỷ đồng, tuy nhiên tỉ lệ tiết kiệm rất thấp.

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cong-ty-co-phan-xay-dung-so-5-no-gap-615-lan-von-chu-so-huu-van-trung-goi-thau-gan-600-ty-d50069.html