Ảnh minh họa. (nguồn: Dân Việt)
Ngày 11/5, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng chủ trì buổi làm việc về tháo gỡ khó khăn cho Dự án Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS).
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), sau khi tiếp nhận từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) (từ tháng 7/2010), Tập đoàn đã triển khai tái cơ cấu DQS.
Về nhân sự, từ hơn 2000 lao động đã sắp xếp lại DQS còn hơn 600 người, hiện tại thu nhập bình quân của công nhân 10 triệu đồng/ tháng; tái cấu trúc lại thị trường và sản xuất…
Từ 2010 đến nay, số lượng tàu được DQS sửa chữa, đóng mới, hoán cải là 182; trong đó, 68 dự án trong ngành, 30 dự án nước ngoài, tổng doanh thu trên 8000 tỷ đồng.
Hiện nay, DQS đang lỗ hơn 2600 tỷ đồng, do giai đoạn trước bàn giao để lại.
Petrovietnam đã tính toán các phương án: Chuyển đổi định giá DQS bán đấu giá tài sản; phương án phá sản DQS theo quy định của pháp luật; tiếp tục tái cơ cấu DQS hoặc thành lập đơn vị mới trên cơ sở chuyển những tài sản, nhân lực của DQS sang và thanh lý những tồn tại.
Theo đó, Petrovietnam mong muốn tiếp tuc duy trì và nâng cao hiệu quả của hoạt động của DQS, bảo đảm công ăn việc làm cho hơn 600 lao động.
Trên cơ sở đó, Petrovietnam đề nghị cấp có thẩm quyền phương án tiếp tục tái cơ cấu DQS, đề xuất một số giải pháp về đầu tư, tài chính để tái cơ cấu hiệu quả DQS trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng nêu quan điểm phải bóc tách, tháo gỡ tất cả các vướng mắc của DQS, mới có thể có một đề án phát triển lâu dài.
Trên cơ sở kiên quyết xử lý theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, với mục tiêu giải quyết tồn tại, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng lưu ý Petrovietnam xây dựng phương án khắc phục khó khăn cần có sự so sánh, đối chiếu giữa các phương án, cần phải tính toán, dự báo thị trường trước khi đưa ra quyết định.
Lê Hải - Như Trường - Pháp luật Plus