EHCMC là đơn vị có năng lực vượt trội hay có gì khuất tất trong việc thực hiện đấu thầu?
Vừa qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam (gọi tắt là EVNSPC) đã tiến hành lựa chọn nhà thầu cho 4 gói thầu lần lượt từ 6.1 đến 6.4 thuộc Dự án Đường dây mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí, tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận.
Trong đó, gói 6.1 cung cấp và lắp đặt đường dây từ đường dây đến G13 có giá gói thầu là 71.376.037.566 đồng (hơn 71 tỷ đồng); Gói 6.2 cung cấp và lắp đặt đường dây từ G13 đến G27 có giá gói thầu là 80.733.007.643 đồng (gần 81 tỷ đồng); Gói 6.3 cung cấp và lắp đặt đường dây từ G27 đến G36 có giá gói thầu là 69.100.505.602 đồng (hơn 69 tỷ đồng) và gói 6.4 cung cấp và lắp đặt đường dây từ G36 đến ĐC có giá gói thầu là 71.769.097.393 đồng (gần 72 tỷ đồng).
Sau khi tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định thì 4 gói thầu trên lần lượt được giao cho các đơn vị sau:
Gói thầu 6.1 được Công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định (gọi tắt là EHCMC) trúng thầu với giá là hơn 65,547 tỷ đồng. Gói thầu này có 4 nhà thầu tham dự. Trong đó, Công ty CP Sông Đà 11 không đạt ở bước đánh giá về tài chính; Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 và Liên danh Công ty CP Bê tông ly tâm Nha Trang - Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam không đạt ở bước đánh giá về năng lực, kinh nghiệm.
Gói thầu 6.2 được Công ty CP Đầu tư xây lắp điện miền Bắc Việt Nam trúng thầu với giá là 63,9 tỷ đồng. Gói thầu này có 4 nhà thầu tham dự, trong đó Công ty CP Sông Đà 11 bị loại ở bước đánh giá tài chính; EHCMC bị loại do hồ sơ dự thầu không hợp lệ; Công ty CP Xây lắp Điện I không đạt yêu cầu về kỹ thuật; Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 không đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.
Gói thầu 6.3 được EHCMC trúng thầu với giá là 58,244 tỷ đồng. Gói thầu này có 5 nhà thầu tham dự. Trong đó, Công ty CP Sông Đà 11 không đạt ở bước đánh giá về tài chính; Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 và Liên danh Công ty CP Bê tông ly tâm Nha Trang - Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam không đạt ở bước đánh giá về năng lực, kinh nghiệm; Công ty CP Xây lắp Điện I bị loại do không đạt ở bước đánh giá về kỹ thuật.
Gói thầu 6.4 được Công ty CP Đầu tư xây lắp điện miền Bắc Việt Nam trúng thầu với giá là 63,8 tỷ đồng. Gói thầu này có 5 nhà thầu tham dự. Trong đó, 2 nhà thầu là Công ty CP Sông Đà 11 và EHCMC bị loại ở bước đánh giá tài chính; 2 nhà thầu là Liên danh Công ty CP Bê tông ly tâm Nha Trang - Tổng công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam và Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 bị loại do không đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.
Theo đó, dù EHCMC là đơn vị chuyên về xây dựng các dự án điện năng lượng mặt trời và chưa có kinh nghiệm thi công dự án đường dây mạch 2 điện lưới quốc gia nhưng EHCMC vẫn nộp hồ sơ dự thầu cả 4 gói thầu tại dự án đường dây mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí nêu trên.
Đáng chú ý, trong số 4 gói thầu tham dự, EHCMC chỉ bị loại tại gói 6.2 và gói 6.4. Trong đó, tại thầu gói 6.2, EHCMC chỉ bị loại do không nộp bảo lãnh dự thầu; tại thầu gói 6.4, EHCMC bị loại tại bước đánh giá tài chính.
Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, lãnh đạo EHCMC cho biết, trước tới nay công ty chủ yếu chuyên về xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời. Theo đó, đối với việc trúng thầu các gói 6.1 và 6.3 tại dự án đường dây mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí thì công ty đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình đấu thầu theo quy định.
Việc một đơn đơn vị chuyên về thi công xây dựng điện năng lượng mặt trời, chưa từng thi công dự án đường dây mạch 2 điện lưới quốc gia nhưng liên tiếp trúng các gói thầu lớn, quan trọng khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Phải chăng EHCMC là đơn vị có năng lực vượt trội trong việc thi công đường dây mạch điện lưới quốc gia nên ngay cả khi chưa có kinh nghiệm vẫn liên tiếp trúng các gói thầu lớn hay có gì khuất tất trong việc thực hiện đấu thầu các gói thầu này?
Để làm rõ các nội dung trên, phóng viên đã liên hệ tới Tổng công ty Điện lực miền Nam nhưng đã nhiều tháng trôi qua, đơn vị này chưa có nội dung phản hồi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tới.
Dự án đường dây mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí là công trình quan trọng, cấp bách nhằm giải phóng công suất các nhà máy năng lượng tái tạo; đồng thời tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 110kV liên kết các khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, cũng như nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện. |
Bảo Hà - Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus