Cú sốc 10 nghìn tỷ đồng: Đại gia số 1 ra đi, tập đoàn số 1 mất 2,6 tỷ USD

06/12/2020 11:41

Kinhte&Xahoi Cuộc chiến trong nội bộ doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam đã tới hồi kết với sự ra đi của đại gia Việt sau 17 năm gây dựng đế chế số 1 Việt Nam. Tuy nhiên, cơ đồ tỷ USD cũng bị đe dọa.

Ông Nguyễn Bá Dương.

CTCK Bản Việt (VCSC) vừa công bố một báo cáo cho thấy, CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) của cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương có thể sẽ mất khoảng 60 nghìn tỷ đồng (gần 2,6 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2025.

Theo ước tính của Chứng khoán Bản Việt, giá trị hợp đồng xây dựng ký mới giai đoạn 2021-2025 của Coteccons đạt 15.000 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều mức 27.000 tỷ/năm trong giai đoạn 2015-2018 trước đó.

Trong 2 quý vừa qua, quý II và quý III, Coteccons đã không công bố thêm bất kỳ hợp đồng nào mới sau khi ghi nhận hợp đồng 5.000 tỷ đồng trước đó.

Theo VCSC, thách thức của đại dịch Covid-19 và và quá trình tái cơ cấu nội bộ sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020, thậm chí dịch bệnh có thể dẫn đến khả năng trì hoãn hoặc hủy các hợp đồng đã được tính trong lượng hợp đồng xây dựng chưa triển khai hiện tại của Coteccons.

Trước đó, cuộc chiến trong nội bộ doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam đã khiến vốn hóa của doanh nghiệp này bốc hơi 10 nghìn tỷ đồng. Giá cổ phiếu giảm từ mức khoảng 230 nghìn đồng hồi cuối 2017 về gần 40.000 đồng/cp hồi tháng 3/2020 trước khi hồi phục về mức trên 60 nghìn đồng/cp như hiện nay.

Giá cổ phiếu Coteccons hồi phục từ cuối tháng 3 cho tới tháng 8 theo đà hồi phục chung trên thị trường chứng khoán khi mâu thuẫn nội bộ được giải quyết với cái kết là sự gia đi của cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương và một loạt các lãnh đạo khác.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, cổ phiếu Coteccons giảm trở lại, ngược với đà tăng tiếp ấn tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Dương xin từ nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị Coteccons từ 2/10, đồng thời bổ nhiệm ông Bolat Duisenov vào vị trí này từ 5/10.

Như vậy, cuộc chiến giữa nhóm cổ đông ngoại-nội tại Coteccons kéo dài nhiều năm qua đã chấm dứt. Tuy nhiên, Coteccons nhiều khả năng sẽ khó lặp lại được những kết quả ấn tượng như trong hơn 17 năm vừa qua dưới sự quản lý của ông Dương.

Cuộc chiến giữa cổ đông nội-ngoại lên cao trào hồi tháng 6, sau khi nhóm cổ đông ngoại Kusto cùng với 1 cổ đông ngoại lớn khác - The 8th Pte Ltd (nắm giữ 10,42% cổ phần CTD) chính thức đặt vấn đề loại bỏ những lãnh đạo của doanh nghiệp này.

The8th yêu cầu bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương (khi đó là chủ tịch và đại diện pháp luật của CTD) và ông Nguyễn Sỹ Công (là thành viên HĐQT và TGĐ của CTD).

Nhóm cổ đông ngoại cho rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp (đại diện là ông Nguyễn Bá Dương) đã gây ra xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, giao dịch với các bên liên quan, sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác trong Coteccon Group (cụ thể là đối thủ cạnh tranh Ricons) mà các thành viên có liên quan của HĐQT và Ban giám đốc có các lợi ích liên quan...

Ở chiều ngược lại, ban lãnh đạo Coteccons cho rằng, nhóm cổ đông ngoại có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, có những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự ban lãnh đạo CTD… Coteccons vẫn hoạt động theo pháp luật và được kiểm toán bởi Big 4.

Trên thị trường chứng khoán, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam dồn dập trong nhiều năm qua nhờ những kết quả tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng cùng với triển vọng tốt khi Việt Nam ngày càng mở cửa rộng rãi với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh các quỹ hoạt động mạnh như Dragon Capital, Pyn Elite Fund… nhiều cổ đông chiến lược ngoại cũng đổ vào các doanh nghiệp tốt trên sàn chứng khoán. Có những trường hợp phát triển mạnh mẽ nhờ vốn ngoại như Thế Giới Di Động, PNJ, Masan, Vingroup… nhưng cũng có mâu thuẫn giữa các cổ đông nội-ngoại ở nhiều doanh nghiệp.

Không ít trường hợp ngoại bành trướng tại thị trường Việt Nam như Metro (Đức), Big C (Pháp rồi chuyển cho Thái), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật)… Nhưng cũng có nhiều trường hợp nội thắng ngoại như: Vinmart của Vingroup (rồi chuyển sang cho Masan), Bibica (BBC) với cú thắng ngược của đại gia Việt PAN trước ông lớn ngoại Lotte đến từ Hàn Quốc…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 4/12, chỉ số VN-Index quanh mốc 1.020 điểm.

Theo MBS, thị trường có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp cho thấy nhịp điều chỉnh ở phiên 30/11 đã kết thúc. Lúc này, thị trường đang có lợi thế hơn so với các phiên trước chỉ số VN-Index cũng tiến tới mốc đóng cửa như hôm nay. Thứ nhất là dòng tiền đang vào mạnh, những phiên gần đây là những phiên thanh khoản cao nhất từ trước đến nay. Thứ hai là thị trường đã có sự điều chỉnh rồi tăng trở lại, khác với những phiên trước thị trường đang trong xu hướng tăng liên tục và không có phiên điều chỉnh thực sự.

Cả hai yếu tố này giúp thị trường có sức bật tốt hơn và cơ hội để vượt mốc tâm lý 1.030 điểm cũng có xác suất thành công cao hơn. Về kỹ thuật, xu hướng tăng trưởng dài hạn của thị trường vẫn chưa có gì thay đổi khi đường giá vẫn nằm trên ngưỡng trung bình 200 ngày. Do vậy cơ hội để thị trường vượt mốc tâm lý 1.030 điểm lại đang rộng mở. 

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/12, VN-Index tăng 5,48 điểm lên 1.019,8 điểm; HNX-Index tăng 1,19 điểm lên 151,99 điểm. Upcom-Index tăng 0,42 điểm lên 69,02 điểm. Thanh khoản đạt 10,8 nghìn tỷ đồng.

V.Hà  -  Theo VietNamNet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngành mía đường “tổn thương” thế nào?

Gần hết 1 năm mở cửa thị trường đường theo lộ trình thực hiện Atiga (Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN), mía đường Việt Nam đã phải chịu trận “tổn thương” kép vừa ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa nhìn đường Thái Lan “tung hoành” ở thị trường nội địa.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/cu-soc-10-nghin-ty-dong-dai-gia-so-1-ra-di-tap-doan-so-1-mat-26-ty-usd-d142634.html