Đại biểu Quốc hội: Chính sách thuế thu nhập cá nhân có nội dung đã lạc hậu cả chục năm

02/11/2023 13:01

Kinhte&Xahoi Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) chỉ ra rằng, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh, như thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT.

Quy trình thu ngân sách tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng nay, 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và một số nội dung khác.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nửa nhiệm kỳ vừa qua, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều sóng gió, thách thức và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Góp phần làm nên kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi tài khóa. “Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có được nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh như hiện nay”, đại biểu nói.

Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh nhưng các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dự địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả.

Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại phiên họp.

Điều hành chính sách tài khóa thời gian qua góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước cả trước mắt và lâu dài. Sự phối hợp với chính sách tiền tệ cũng đồng bộ hiệu quả.

Song, bên cạnh những thành công đó, đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ một số băn khoăn, trăn trở. Đại biểu nhấn mạnh, về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh.

Lấy ví dụ thuế thu nhập cá nhân hiện hành, theo đại biểu, với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, phân chia bậc lũy tiến; mức chiết trừ gia cảnh… không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát… có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. “Đây là bất cập lớn”, đại biểu nêu quan điểm.

Hay thuế VAT vốn được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại nhưng cũng có không ít vấn đề. “Mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn. Năm 2022, thu 390 nghìn tỷ, hoàn 150 nghìn tỷ (385); năm 2023, ước thu 365 nghìn tỷ, hoàn 160 nghìn tỷ (44%); năm 2024 dự toán thu 390 nghìn tỷ, hoàn 171 nghìn tỷ (43%)”, đại biểu dẫn chứng.

Điều đáng nói là, theo đại biểu, quy trình hành thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu...

Quá trình này còn làm tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này.

Về vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, theo đại biểu Trần Văn Lâm, thời gian qua, vai trò này liên tục giảm, thể hiện qua tỷ lệ số thu mà ngân sách trung ương được hưởng liên tục đà suy giảm, đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Hiện tại nhiều khoản chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương phải trông chờ vào sự đóng góp của ngân sách các địa phương.

Về bội chi, đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý vấn đề vốn đầu tư không thể giải ngân nên không thể thực hiện vay, nhất là nguồn vốn ODA, làm giảm bội chi, từ đó quyết liệt điều hành, thực hiện các kế hoạch kinh tế, tài chính đảm bảo hiệu quả thời gian tới.

Đề cập về sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô, đại biểu cho rằng, nhiều biện pháp còn mang tính tình thế, ứng phó mà chưa phải là biện pháp căn cơ, bền vững, vì vậy, khi tình hình dịch bệnh đã qua, cần phải thay đổi cho phù hợp.

Thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) ghi nhận, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy kết quả đầu tư công thời gian qua đạt kết quả tốt, khắc phục được đầu tư dàn trải, nỗ lực cao triển khai các dự án đường cao tốc và dự án sân bay Long Thành.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu tại phiên họp.

Dự kiến, đến năm 2030, chúng ta sẽ có 5.000km đường cao tốc và hoàn thành các sân bay, bến cảng lớn, là kết quả đáng tự hào. Cùng với đó là thể chế cho đầu tư công, nhất là về phân cấp, phân quyền dần được hoàn thiện. Những cơ chế này sẽ là tiền đề để đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn sau.

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Ngọc Minh cũng cho rằng, vẫn còn một số vấn đề lớn của nền kinh tế có liên quan đến đầu tư công như tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, doanh nghiệp không đạt mục tiêu cả về chất lượng và số lượng. Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân và trong đó có nguyên nhân của đầu tư công với vai trò dẫn dắt và kích hoạt chưa đúng, chưa đủ.

Để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và sớm đầu tư tư, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, đại biểu nêu một số kiến nghị.

Thứ nhất, tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn và ngay tới đầu tư chung của nền kinh tế, cụ thể là sớm đầu tư hai tuyến đường sắt Lào Cai - cảng Hải Phòng và Đồng Nai - cảng Cái Mép - Thị Vải, hai tuyến đường sắt mà theo đại biểu là có ý nghĩa rất lớn cho nền kinh tế.

Thứ hai, đề nghị thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018. Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ dành khoảng 5.000 tỷ hỗ trợ vào hạ tầng sản xuất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp có đà để tập trung vào sản xuất, xuất khẩu được ngay.

Để giảm đầu tư của Nhà nước, đồng thời khắc phục việc thiếu điện như mùa hè năm 2022 ở miền Bắc, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho khu vực miền Bắc áp dụng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về phát triển điện mặt trời, điện gió để tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời.

“EVN mua điện này đúng giá mà người dân đang mua của EVN, EVN không cần phải bù lỗ, để đảm bảo cho điện sản xuất trong những năm tới. Đồng thời, phải sớm đổi mới được EVN, không biến động nhà nước về điện thành độc quyền của doanh nghiệp”, đại biểu nói.

Với quan điểm cho rằng để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững cần phải có một lực lượng doanh nghiệp hùng tráng, đại biểu kiến nghị Quốc hội cho xây dựng và ban hành Nghị quyết riêng về phát triển toàn diện doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tường Minh - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1265/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025”.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/dai-bieu-quoc-hoi-chinh-sach-thue-thu-nhap-ca-nhan-co-noi-dung-da-lac-hau-ca-chuc-nam-d200454.html