Dãy nhà 'nguy khốn' bên bờ sông ở Hà Giang, thủy điện dùng dằng xử lý

23/07/2019 14:54

Kinhte&Xahoi Hơn 6.000m2 nhà nứt toác, chực chờ sập vì Thủy điện Sông Lô 2 tích nước, gia đình ông Cường mỏi mòn chờ nhà máy xử lý sự cố.

Ông Trần Công Cường ở xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) cho biết, hơn 1 năm qua, gia đình ông mệt mỏi vì chờ đợi sự vào cuộc của nhà máy Thủy điện Sông Lô 2.

Năm 2018, nhà máy vận hành cũng là lúc dãy nhà kho hơn 6.000m2 của ông hư hỏng nghiêm trọng. Tường phía sau dãy nhà biến dạng, ngày một lồi ra do nền móng xuống cấp. Phía trong nhà, trên tường xuất hiện nhiều vết nứt dài, hở mạch. Một số vị trí kết cấu nền nhà bị tách rời, hở hàm ếch.

Dãy nhà kho của ông Cường bị nước 'bủa vây'.

Tháng 8/2018, chủ đầu tư nhà máy thủy điện là công ty TNHH Thanh Bình (công ty Thanh Bình) đã phối hợp Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hà Giang làm việc liên quan đến sự cố ở dãy nhà kho của ông Cường.

Công ty Thanh Bình đề nghị Trung tâm lập phương án, giải pháp xử lý sự cố lún nứt, đảm bảo an toàn cho nhà kho trên cơ sở được cơ quan chuyên môn thẩm định.

Tháng 2/2019, Trung tâm có báo cáo về kết quả kiểm định chất lượng dãy nhà kho của ông Cường. “Do chênh lệch mực nước lòng hồ so với đê bao, nước xâm nhập theo các địa tầng khác nhau ở độ sâu 1-13m dẫn đến thường xuyên bị ngập nước vào chân móng nhà kho từ 50-70cm, làm biến dạng trạng thái đất từ trạng thái dẻo cứng chuyển sang trạng thái dẻo mềm", Trung tâm này nêu.

Trong 1 năm, nhiều vị trí dãy nhà bị nứt toác, hở hàm ếch.

Tại đây, ông Đỗ Đức Mai, Phó giám đốc công ty Thanh Bình đề nghị thuê đơn vị tư vấn độc lập làm căn cứ giải quyết sự cố, lập dự toán thiệt hại dãy nhà của ông Cường.Cuối tháng 4/2019, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Vị Xuyên tổ chức cuộc họp giữa các bên gồm công ty Thanh Bình, Trung tâm Kiểm định và gia đình ông Cường.

Bác bỏ kết quả thẩm định

Trong báo cáo kết quả, Trung tâm Kiểm định cho rằng, cần gia cố lại toàn bộ móng phía sau nhà bằng phương pháp ép cọc bê tông cốt thép.

Không đồng ý với giải pháp trên, công ty Thanh Bình có công văn số 70 gửi Trung tâm về việc thiết kế kè, ép cọc bê tông cốt thép là không hợp lý, đề nghị bỏ nội dung này ra khỏi dự toán.

Mưa nhỏ cũng gây ngập.

“Công ty chỉ khắc phục những phạm vi lún, nứt, hư hỏng theo đúng kết cấu ban đầu. Đề nghị Trung tâm Kiểm định xem xét lại hồ sơ dự toán”, công văn 70 nêu.
 
Trung tâm Kiểm định phản hồi: Không thể thực hiện theo ý kiến của công ty Thanh Bình vì không có khả năng đảm bảo chống lún và chống thấm cho toàn bộ dãy nhà.

Ông Cường bên dãy nhà bị hư hỏng do thủy điện dâng nước.

Trao đổi với PV VietNamNet, Phó giám đốc công ty Thanh Bình Đỗ Đức Mai cho biết, không đồng ý làm kè mà chỉ đồng ý khắc phục thiệt hại với phương án "chỗ nào vỡ thì sửa lại, chỗ nào hỏng thì thay mới". Ông khẳng định "không bao giờ có chuyện sập nhà kho được".

Tiến sĩ Phùng Đắc, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho biết, khi nền móng của công trình bị biến dạng từ dạng dẻo cứng sang dẻo mềm thì việc kè lại là biện pháp tối ưu, giải quyết tận gốc vấn đề. Theo ông, nếu xử lý bề mặt bị nứt, lún thì không đảm bảo tính ổn định lâu dài và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều vi phạm

Tháng 4/2015, công ty Thanh Bình khởi công xây dựng dự án nhà máy thủy điện Sông Lô 2 trên dòng Sông Lô thuộc địa phận xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên.

Quá trình xây dựng, dự án điều chỉnh công suất thiết kế từ 21 MW lên 28 MW. Theo quy định, chủ đầu tư phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình Bộ TN&MT duyệt. Tuy nhiên, từ năm 2015 công ty Thanh Bình triển khai dự án mà không phải lập lại ĐTM (theo văn bản chấp thuận số 671 năm 2015 của UBND tỉnh do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sơn kí). 

Toàn cảnh nhà máy thủy điện Sông Lô 2.

Giữa năm 2017, đoàn công tác của Bộ TN&MT khảo sát việc thực hiện dự án điều chỉnh thủy điện Sông Lô 2 phát hiện chủ đầu tư xây dựng các hạng mục điều chỉnh khi chưa được phê duyệt ĐTM. Bộ yêu cầu dừng triển khai dự án.

Tháng 8 năm đó, UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định xử phạt hành chính công ty Thanh Bình hơn 400 triệu đồng vì xảy ra vi phạm thi công xây dựng các hạng mục điều chỉnh, bổ sung khi chưa được phê duyệt ĐTM của dự án điều chỉnh.

Sau vận hành, tháng 12/2018 xảy ra sự cố vỡ đê tại xã Đạo Đức gây thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân. Mới đây, cuối tháng 6/2019, tường kè bờ trái kênh xả sau nhà máy bị sụt lún nghiêm trọng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nông sản Việt chinh phục thị trường khó tính Hoa Kỳ

Nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản chất lượng của Việt Nam đang ngày càng tăng cao tại thị trường Hoa Kỳ. Nắm bắt cơ hội đó, các nhà xuất khẩu trong nước đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Theo VietNamnet/ Pháp luật Plus