Đề xuất cấm diễn viên trẻ em diễn đêm

19/10/2019 10:07

Kinhte&Xahoi Truyền thông không ít lần đăng tải những bức ảnh diễn viên, ca sĩ nhí ngủ gật ở hậu trường khi chờ đến lượt diễn hay kín đáo che miệng ngáp giữa đoạn nhạc của bài hát. Điều này cho thấy, việc quản lý trẻ em tham gia hoạt động nghệ thuật cần có những quy định chặt chẽ hơn, để đảm bảo cho sự phát triển về trí lực, thể lực của các em…

Pháp luật không cấm người chưa thành niên tham gia lao động nghệ thuật, nhưng cần có quy định chặt chẽ về thời giờ làm việc. (Ảnh minh họa)

Khi những đứa trẻ là người nổi tiếng

Hiện nay, có một thực tế là chương trình gameshow dành cho đối tượng trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều, đi kèm đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều “tài năng nhí”. Đáng lo là người lớn nhiều khi đã cố tình quên các em vẫn đang là trẻ con, mà đối xử với các em như người lớn trong các chương trình khiến các em phải chịu thiệt thòi về việc đảm bảo sức khỏe, phát triển thể lực, trí lực. 

Có nhiều chương trình phát sóng trực tiếp, các em phải dồn sức tập luyện, thời điểm kết thúc một tập phát sóng trực tiếp lại là sau 22g, nên các em không chỉ mệt đuối mà còn đói rã người. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những gì các gương mặt nhí trong showbiz Việt phải chịu đựng mà còn rất nhiều thực tế khác nữa.

Ca sĩ nhí nổi danh P.M.C bên cạnh việc học như bao bạn bè khác luôn có cả một danh sách chạy sô cả trong lẫn ngoài nước; ca sĩ nhí này còn đi thu âm, quay MV, đóng phim, đóng quảng cáo… Rất nhiều lần người ta thấy em tất tả chạy từ trường, đồng phục vẫn còn trên người, xuất hiện tại phòng thu hay buổi tập nhạc.

Vì lịch làm việc dày đặc nên em thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu ngủ. Truyền thông đã ghi lại được hình ảnh ca sĩ nhí này ngủ gật ở hậu trường khi chờ diễn hoặc những bữa ăn vội vàng như cơm hộp, bánh mỳ vì không đủ thời gian. Chưa hết, trong một lần đi diễn ở tỉnh, một nam khán giả đã ném đá lên sân khấu khi em đang hát khiến em buông micro chạy vào hậu trường khóc nức nở vì sợ hãi.

G.K – một bé trai là người mẫu nhí  thì phải cắn răng chịu đựng nỗi sợ đi máy bay. Em luôn hỏi mẹ liệu có thể đi tàu hỏa hay ô tô được không; thế nhưng, trung bình mỗi tháng em phải bay ít nhất một lần để đi diễn hoặc đóng quảng cáo…

Trong một lần trò chuyện với truyền thông, ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết: “Nếu ngày đầu xuất hiện, nhiều đơn vị sản xuất còn chọn mùa hè để trẻ tham gia thì hiện nay, các chương trình nhí diễn ra quanh năm. Các em mất rất nhiều thời gian cho tập luyện và ghi hình, đến khuya mới kết thúc là chuyện bình thường”.

Luật cần quy định cụ thể

Ở góc độ pháp luật, có thể nói luật pháp hiện hành không cấm sử dụng lao động chưa thành niên (đặc biệt trẻ em dưới 15 tuổi) vào một số lĩnh vực, như văn hóa, nghệ thuật, thể thao…

Theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc thì trẻ em có thể tham gia lao động với vai trò là diễn viên trong các bộ môn nghệ thuật múa; hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước). 

Cũng theo Bộ luật Lao động năm 2012 và Thông tư 11 thì trẻ em chỉ có thể tham gia công việc trên khi có sự đồng ý của chính các em và người giám hộ, cùng với đó công việc phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học hành và không gây rủi ro nào đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: Việc luật pháp hiện hành không cấm sử dụng lao động chưa thành niên (đặc biệt trẻ em dưới 15 tuổi) vào một số lĩnh vực, như văn hóa, nghệ thuật, thể thao…

Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm lao động chưa thành niên phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Đặc biệt, không được dùng trẻ em làm những công việc ảnh hưởng tới phát triển sau này của trẻ như ảnh hưởng về đạo đức, tinh thần.

Đầu tháng 10/2019, tại hội thảo tham vấn về những nội dung sửa đổi, bổ sung về lao động chưa thành niên trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức, theo dự thảo thì người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người lao động chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
 
Theo ông Ngô Hoàng – Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH thì lao động chưa thành niên trong khung từ chưa đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm, được tuyển dụng, sử dụng vào các công việc nhẹ do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định.

Như vậy, có thể hiểu việc sử dụng lao động chưa thành niên nói chung và trong lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn nói riêng được quy định cụ thể hơn với những trách nhiệm rõ ràng hơn của chủ sử dụng lao động và cả của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, điều làm nhiều chuyên gia về trẻ em băn khoăn thế nào là “công việc nhẹ”. 

Bà Shelley Casey, chuyên gia pháp lý của UNICEF cho rằng việc bổ sung định nghĩa về “công việc nhẹ” phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cần nêu rõ rằng “công việc nhẹ” là những công việc không nguy hiểm đến sức khoẻ hay sự phát triển thể lực của người chưa thành niên và không ảnh hưởng việc đến trường.

Cũng theo bà Shelley Casey, theo Khuyến nghị 146 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì việc làm nhiều giờ và làm đêm có thể gây tác động tiêu cực đối với người lao động chưa thành niên. Ở độ tuổi này các em cần nghỉ ngơi đủ để phát triển khỏe mạnh về thể lực và trí lực. Do đó, pháp luật cần hạn chế lao động chưa thành niên làm việc thêm giờ và làm đêm, đảm bảo người chưa thành niên có tối thiểu 12 giờ nghỉ ngơi liên tiếp vào ban đêm.

“Dự thảo nên có quy định cấm người chưa thành niên dưới 15 tuổi làm việc trong khung từ 20h đêm hôm trước đến 7h sáng hôm sau và quy định bổ sung thêm thời gian nghỉ so với lao động chưa thành niên. Dự thảo cần quy định rõ trong luật rằng người chưa thành niên dưới 15 tuổi không được làm việc trong giờ đi học,” bà Shelley Casey đưa ra khuyến nghị.  

Luật cần có quy định về việc trẻ em biểu diễn đêm

Như vậy, một câu hỏi đặt ra là với những diễn viên, người mẫu nhí, việc biểu diễn thường diễn ra vào khung giờ buổi tối là chính thì sẽ như thế nào để vừa đảm bảo nhu cầu công việc của chính các em, cùng như phù hợp pháp luật và sự phát triển của trẻ?

Bà Shelley Casey - chuyên gia pháp lý của UNICEF: “Tôi đánh giá cao quy định yêu cầu bất kì ai sử dụng trẻ em dưới 13 tuổi để biểu diễn nghệ thuật, thể dục, thể thao phải xin giấy phép cho việc sử dụng lao động trẻ em. Giấy phép phải quy định số giờ làm việc cho phép và những điều kiện bảo vệ khác”.

Ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH: “Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố sẽ là đơn vị cấp phép sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao với các điều kiện cụ thể về công việc là gì, thời gian làm việc, điều kiện làm việc...

Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp: “Theo Công ước về quyền trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016 thì trẻ em không được tham gia các công việc làm đêm. Nhưng trên thực tế thì nếu trẻ em tham gia biểu diễn, nghệ thuật theo sự cho phép của pháp luật lao động thì không thể tránh việc biểu diễn, quay phim vào ban đêm.

Bên cạnh đó, số giờ làm việc, tập luyện cũng sẽ vượt quá luật định (ví dụ như trường hợp trẻ em là vận động viên thể thao) thì khi đó sự vênh nhau giữa luật và thực tế sẽ giải quyết như thế nào.

Để giải quyết vấn đề này cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để hướng dẫn và để quy định về cấp phép có thể triển khai trong thực tế, rất cần hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn, quy trình khi cấp phép để cơ quan thực hiện có đủ cơ sở thực hiện”. X.Hoa (ghi) 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus