Đến tận nhà Tuấn Khỉ livestream: Cái gì thế nhỉ?

18/02/2020 09:25

Kinhte&Xahoi Tuấn Khỉ đã bị tiêu diệt nhưng những đám đông vẫn tò mò kéo đến tận nhà Tuấn để livestream về người thân, hàng xóm.

Ảnh minh họNgười dân tụ tập đến xem vây bắt Tuấn Khỉ.

Vụ vây bắt Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn Khỉ)- kẻ phạm tội bắn chết 4 người tại sòng bạc ở Củ Chi và 1 người lái xe ôm công nghệ trên đường chạy trốn đã kết thúc vào ngày 13/2 vừa qua tại một ngôi nhà hoang. Thi thể của Tuấn Khỉ đã được bàn giao về cho gia đình mai táng.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Đám đông hiếu kỳ vẫn xúm đông xúm đỏ ở ngôi nhà hoang nơi Tuấn Khỉ bị bắn, và họ còn tìm đến tận nhà- nơi thân nhân của kẻ tội phạm này đang sinh sống để livestream. Mặc dù gia đình đã đóng kín cửa nhưng hàng chục youtuber vẫn chĩa máy quay vào nhà để phát trực tiếp lên mạng xã hội kiếm like câu view một cách...không thể hiểu nổi!

Hành vi này khiến người thân, hàng xóm của Tuấn Khỉ vô cùng bức xúc và phẫn nộ, bởi họ vô tội, họ không phạm tội che giấu tội phạm hay đồng lõa với kẻ thủ ác. Thế nhưng vì sự mê muội của những người ham kiếm lời trên mạng Youtube mà người thân của Tuấn Khỉ bị xâm phạm quyền công dân, vi phạm bí mật đời tư.

Có lẽ chuyện này đã vượt quá giới hạn. Còn nhớ khi công an tiến hành vây bắt Tuấn Khỉ suốt trong trong 15 ngày, hàng ngàn người đã nô nức đi xem, đứng chật mọi ngả đường, livestream rộn ràng náo nhiệt như đi hội. Họ bất chấp sự an toàn của bản thân, bất chấp việc tụ tập như vậy có thể làm cản trở công an thi hành nhiệm vụ, việc của họ chỉ là thấy đông thì nhào vào, kiếm view trên mạng xã hội.

Lại cũng có những gia đình bố mẹ trẻ chở cả con nhỏ đến ăn chực nằm chờ để xem công an bắt Tuấn Khỉ, có gia đình vợ chồng cao tuổi cũng bỏ nhà cửa dắt díu nhau đi hàng trăm cây số đến tận hiện trường để “hóng tin tức”. Có người còn bỏ cả công việc, đi thuê nhà trọ gần nơi vây bắt Tuấn Khỉ để tiện theo dõi động tĩnh của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Cảnh sát dù có vận động, giải tán, năn nỉ thế nào đám đông này cũng không chịu lùi bước mà còn kéo đến đông hơn.

Thật là đáng ngại với những đám đông cuồng nộ và mê lẫn đến thế.

Họ không có việc gì khác nữa để làm? Hay không có gì thú vị hơn để dành sự quan tâm? Cái thói xấu tò mò, bất chấp cả việc vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết hoặc cố tình thiếu hiểu biết ? Và trên hết, cái tâm lý tò mò, nhóm ngó, phát tán, cười trên nỗi đau của người khác đã khiến họ không còn là chính họ thường ngày nữa, một biểu hiện như những kẻ ngáo.

Đám đông ấy, với một chiếc điện thoại thông minh có tính năng quay video, ngay lập tức họ trở thành những người truyền tin cuồng nộ trên mạng xã hội. Một con chó bị xe cán cũng livestream, một đám đánh nhau trên đường, một vụ va chạm nhỏ trong xóm cũng đều được phát lên mạng xã hội. Chưa kể còn hàng loạt tin giả độc hại mà họ tạo ra gây nhiễu loạn trong cộng đồng. Tất cả chỉ vì kiếm view, câu like, muốn được người khác biết đến mình. Chả nhẽ họ tin rằng: Tôi livestream nghĩa là tôi tồn tại???

Nếu không có chế tài xử lý mạnh tay với những “người truyền tin” mê muội và bất nhân tính kiểu này, cộng đồng sẽ còn phải hứng chịu nhiều hậu quả xấu.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nỗi lo “khát” lao động

Năm nay, bên cạnh nỗi lo “khát” lao động sau Tết Nguyên đán thì vấn đề an toàn lao động trước dịch Covid - 19 cũng là bài toán khiến cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp “đau đầu”.

Theo Đất Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/den-tan-nha-tuan-khi-livestream-cai-gi-the-nhi-d117580.html