Theo báo cáo tài chính sau soát xét của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Đèo Cả, mã CK: HHV), trong 6 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 793,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 549,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, gánh nặng chi phí lãi vay đã khiến Đèo Cả mất 307 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng mạnh so với mức 240 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Bù lại, công ty ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh từ 28,5 tỷ đồng lên mức 121,4 tỷ đồng.
Trạm thu phí hầm Đèo Cả. (Ảnh: Internet)
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, Đèo Cả ghi nhận 137,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 421% so với mức 26,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo lý giải, nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là nhờ tăng doanh thu vận hành các trạm thu phí, hoạt động xây lắp. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận lãi từ công ty liên kết, thu nhập khác từ thanh lý tài sản.
Mặc dù tình hình kinh doanh khá tích cực, song các chỉ số tài chính của Đèo Cả đã nói lên nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là khoản nợ.
Theo đó, ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Đèo Cả ở mức 32.877 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là tài sản cố định, tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 194,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả của Đèo Cả tính đến cuối tháng 6/2021 ở mức 25.355 tỷ đồng, như vậy, nợ phải trả đã chiếm tới 77% tổng tài sản của công ty. Mặt khác, nợ ngắn hạn ở mức 3.864 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ ở mức 1.256 tỷ đồng, điều này cho thấy áp lực thanh toán nợ ngắn hạn của Đèo Cả là rất lớn.
Đặc biệt, ngày 30/6/2021, vốn chủ sở hữu của Đèo Cả cũng chỉ ở mức 7.522 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ phải trả cũng đã cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu, lại càng gây áp lực lớn cho công ty về việc trả nợ.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả. (Ảnh: HHV)
Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, việc nợ phải trả cao gấp 3,4 vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của công ty hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.
Nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.
Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.
Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả tiền thân là Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco). Sau khi được cổ phần hóa, công ty bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 12/2015.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả gắn liền với tên tuổi ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện tại, ngành nghề chính của công ty là hoạt động quản lý, khai thác, bảo trì hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Đèo cả, hầm đường bộ Cù Mông... và quản lý, duy tu bảo dưỡng các tuyến quốc lộ được giao; quản lý vận hành các trạm thu phí; xây dựng công trình đường bộ, sửa chữa các công trình giao thông; kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định…
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả cũng được biết đến là nhà thầu của nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông có quy mô vốn lớn, tầm quan trọng của quốc gia, trong đó tiêu biểu là dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, hầm đường bộ Phước Tượng Phú Gia, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn...
Văn Thành Nhân - TTTĐ