Đi chợ theo phiếu và cách mua sắm thông minh trong mùa dịch

29/07/2021 15:30

Kinhte&Xahoi Trước việc người dân đi chợ theo phiếu ngày chẵn, ngày lẻ và hạn chế khung giờ, nhiều bà nội trợ đã “mách” nhau cách mua thực phẩm tươi ngon và “bí quyết” đi chợ nhanh mà vẫn đủ đồ cần dùng.

Một lần đi chợ mua thức ăn cho cả tuần

Từ ngày 29/7, nhiều quận huyện trên địa bàn Hà Nội triển khai phát phiếu đi chợ cho người dân. Theo đó mỗi gia đình sẽ được phát 2 ngày 1 phiếu và đi chợ theo khung giờ nhất định. Đây là một biện pháp nhằm hạn chế đông người, tránh lây nhiễm dịch Covid-19.

Người dân đi chợ theo phiếu được phát tại chợ Nhật Tân (Tây Hồ)

Chị Vũ Mai Lan ở quận Hai Bà Trưng cho biết: “Để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa có bữa ăn ngon, đủ chất, thay vì đi chợ hàng ngày, tôi mua thực phẩm dự trữ cho cả tuần.

Gia đình tôi có thói quen ăn nhiều thịt lợn, tôi thường vào siêu thị mua thịt tươi đóng gói sẵn theo trọng lượng. Với mặt hàng rau củ quả, tôi ưu tiên mua những loại củ quả để được lâu. Tôi đã lên danh sách những thực phẩm cần mua trước, khi đến siêu thị chỉ việc mua nên không mất nhiều thời gian”.

Chị Nguyễn Thị Hương, ở quận Long Biên chia sẻ: “Hôm nay nhà tôi được phát phiếu đi chợ ngày lẻ. Dù phiếu được phát là 2 hôm 1 lần nhưng tôi vẫn mua thức ăn đủ cho cả tuần. Tầm này càng ít ra ngoài, càng tốt.

Trước hết tôi đi theo khu vực rau củ trước, mua các loại khác nhau bí xanh, cà rốt, khoai tây… (những loại để được lâu), rồi đến rau cỏ, trái cây các loại, sau cùng là thức ăn như trứng, cá, tôm, ếch, thịt gà, bò, lợn…

Về Nhà tôi sơ chế để riêng thức ăn vào ngăn đá theo từng bữa. Rau thì bỏ lạt buộc lại trong túi nilon. Các loại rau cải, rau muống ăn trước, rau ngót, mồng tơi, củ, quả có thể ăn sau”.

Phiếu đi chợ được phát theo mỗi ngày tại quận Long Biên

Để khắc phục tình trạng các món ăn hàng ngày bị đơn điệu, nhiều bà nội trợ đã lập một thực đơn cho các ngày trong tuần rồi mua thực phẩm theo đó. Chẳng hạn mỗi tuần ăn thịt bò một lần; Một, hai bữa tôm, cá còn lại thịt lợn sẽ chế biến những món khác nhau… Xây dựng thực đơn như thế sẽ tính ra được lượng thực phẩm cần mua cho cả tuần, thậm chí biết những món gì nên mua trữ trong tủ lạnh.

“Những món cầu kỳ và cần ăn tươi thì tốt nhất nên sắp xếp vào ngày đi mua thực phẩm. Xương hoặc sườn có thể mua nhiều nhiều rồi ninh sẵn và cất tủ lạnh nấu canh dần. Thịt nạc băm cũng thế, đem về cứ chia ra từng hộp, khi nấu canh chỉ việc lấy ra cho vào”, một bà nội trợ “bật mí”.

Người dân phải có phiếu đi chợ và được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào chợ Nhật Tân

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài thực phẩm, bà nội trợ luôn phải “thủ” trong nhà thật nhiều các loại gia vị khác nhau: Hành tiêu, tỏi ớt, cari, ngũ vị, nấm hương, mộc nhĩ, mắm muối, xì dầu, dầu ăn... bởi món ăn chỉ khác nhau ở các gia vị mà thôi. Ngoài ra, người nội trợ cũng cần dự trữ một ít cà chua, trứng, cá khô phòng lúc chưa hết tuần đã hết thức ăn.

Đừng điền sai tên khi đi chợ theo phiếu

 Khi thành phố Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc đi chợ, đi siêu thị cũng đã được mọi người hạn chế tối đa. Dù mỗi nhà được phát phiếu đi chợ nhưng tại các khu dân cư, những hộ gia đình ở gần nhau đã chủ động thành lập từng nhóm trên mạng xã hội để cắt cử nhau đi mua thực phẩm.

Trên nhiều trang mạng, các bạn trẻ vừa kheo ảnh phiếu đi chợ, vừa kêu gọi nhau nêu cao ý thức phòng chống dịch

Theo chị Vũ Thị Thêu ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội: “Chúng tôi được phát phiếu theo ngày và phải đi chợ vào khung giờ nhất định. Dù thế cả ngõ xóm của tôi đều thống nhất là cắt cử nhau đi chợ. Ngõ xóm tôi có 5 gia đình, cứ 3 ngày lại đi chợ 1 lần, mỗi lần, 1 gia đình đi. Mọi người sẽ viết những đồ cần mua theo một danh sách, sau đó gửi trên nhóm, người mua cứ đi chợ theo danh sách đó rồi về đặt ở cổng từng nhà để họ ra lấy. Tiền sẽ được chuyển khoản cho người đi chợ… Dịch bệnh bây giờ ngày càng phức tạp, mỗi người đều có ý thức thì tình hình sẽ nhanh được khống chế”.

Ở chung cư tái định cư tại khu Đô thị Việt Hưng (Long Biên), mỗi tầng lập 1 đến 2 nhóm để cử nhau đi chợ sau đó cũng về đặt ở cửa để mọi người tự ra lấy. Dù là đi chợ luân phiên nhưng vẫn đảm bảo không ai tiếp xúc với ai và hạn chế ra khỏi nhà.

 Nhiều ý kiến cho rằng, phát phiếu đi chợ ngoài việc hạn chế đông người còn để nắm bắt thông tin người ra vào chợ, khi phát hiện F0, F1 sẽ dễ khoanh vùng hơn. Vì thế, người dân nên sử dụng đúng phiếu mang tên mình, không nên điền tên mình rồi đưa cho người khác đi chợ thay.

Cách bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn trong tủ lạnh

 Theo các chuyên gia dinh dưỡng: Để giúp thực phẩm luôn tươi ngon, đầu tiên bạn cần phải phân loại thực phẩm trước khi bảo quản như sau:

Đối với thực phẩm tươi sống (thịt, cá, hải sản): Sau khi mua thực phẩm tươi sống về, rửa sạch và để ráo. Sau đó, bạn chia nhỏ mỗi phần thực phẩm tươi sống và cho vào túi zip hoặc hộp đựng thực phẩm. Cuối cùng, bạn có thể đặt vào ngăn mát tủ lạnh với thời gian sử dụng từ 3 - 5 ngày, hoặc ngăn đông tủ lạnh (khoảng -18 độ C) với thời gian bảo quản lên đến 3 tháng.

Đối với rau củ: Bạn không nên rửa sạch nếu chưa có nhu cầu sử dụng ngay. Hãy loại bỏ những phần bị úng, héo và tuyệt đối không để rau củ bị dính nước trước khi bảo quản. Sau đó, bạn chia rau củ với lượng vừa phải, rồi cho vào túi zip hoặc túi nilong (có lỗ thoát khí) và đặt vào ngăn rau mát, có thể để được từ 5-7 ngày.

Đối với trái cây: Khi bảo quản, bỏ cuống hỏng hoặc quả đã ủng, héo, dùng khăn khô để lau quả rồi cho vào túi zip có lỗ thoát khí, rồi đặt vào ngăn mát.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hiệu quả “3 tại chỗ” giữa đại dịch Covid-19

Là một trong những tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn nhất cả nước, Đồng Nai đang đứng trước tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động vận hành mô hình “3 tại chỗ”, bố trí cho công nhân ăn, ở và làm việc tại nhà máy để đảm bảo mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất, lại an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/di-cho-theo-phieu-va-cach-mua-sam-thong-minh-trong-mua-dich-171838.html