Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong trường hợp tệ nhất, đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến 24,5 triệu người trên thế giới bị mất việc, lớn hơn cả một cuộc khủng hoảng tài chính. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009 thì số lượng người bị thất nghiệp là 22 triệu người.
Đại dịch này không còn chỉ dừng lại là “một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu” mà đã trở thành “một cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động” - Tổng giám đốc ILO Guy Ryder tỏ ra lo ngại.
Trong khi đó tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp đang tăng cao.
Thống kê nhanh ở một số tỉnh và thành phố cho thấy, tình hình thất nghiệp đang diễn ra khá phức tạp với quy mô lớn. Số người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2 vượt hơn 47.000 người, tăng 59 % so với tháng 1 và tăng tới 70 % so với cùng kỳ của năm 2019.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan này đã đề xuất 6 điểm gửi Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch này.
Trong đó, đáng chú ý là Bộ đã đồng ý với việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp có từ 50 % số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50 % tổng thu nhập do dịch Covid-19.
Bộ cũng đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Đề xuất hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị… Dự kiến, thời hạn vay tối đa là 12 tháng với lãi suất vay là 3,96%/năm bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.
Nói cho cùng, mọi chính sách đưa ra trong thời gian này, đích đến cuối đều cần hướng về lợi ích của người lao động (đặc biệt là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội).
Mục đích “chống dịch như chống giặc” không gì khác là đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho gần 100 triệu dân. Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng là để đảm bảo đời sống cho người lao động. Khi người lao động mất đi việc làm thì cần thiết phải giúp họ và gia đình “sống được” và sớm quay lại với công việc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp mới đây đã yêu cầu cần chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất, không để bị động bất ngờ. Ông nói rõ, công tác chống dịch phải “làm quyết liệt” nhưng “cũng không hốt hoảng sợ hãi đến mức không dám làm gì”.
Bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác cần tập trung triển khai thực hiện. Đó là kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; là thúc đẩy đầu tư công trên cơ sở nguồn lực đã được bố trí để kích cầu; là tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội; là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Song, người viết cho rằng, dù là với biện pháp nào cũng cần đảm bảo dòng vốn, nguồn lực hỗ trợ hướng trúng đích. Doanh nghiệp được hỗ trợ, theo đó cần đảm bảo đưa dòng tiền vào phục hồi sản xuất và đảm bảo đời sống cho người lao động, chứ không phải cứu giá cổ phiếu hay gom tài sản… Cán bộ công chức cũng cần “chí công vô tư”, không “tranh thủ”, không làm khó dễ.
Trường hợp xấu nhất, không phải là GDP giảm bao nhiêu phần trăm, mà là khi có sự chia rẽ và tư lợi, là tư tưởng giữ ghế, co cụm lợi ích… khiến các chính sách bị méo mó hoặc chậm trễ.