Diễn biến mới nhất liên quan khắc phục sai phạm tại Công ty Vinasport

16/06/2023 11:07

Kinhte&Xahoi Thanh tra Chính phủ nêu rõ những sai phạm tại Vinasport và Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên đến nay việc khắc phục, báo cáo thực hiện KLTT vẫn "rất chậm".

Theo đó, mới đây Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra (KLTT) về việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Qua đó, cơ quan chức năng đã chỉ ra những hạn chế, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài sản và vốn Nhà nước; cố ý làm trái quy định nhà nước, thất thoát số tiền lớn không thể thu hồi, chấp hành quy định của pháp luật từ khi cổ phần hóa đến nay…

Vinasport là Công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ 51,32% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Bộ VHTT&DL là cơ quan đại diện Chủ sở hữu được giao quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại Vinasport thông qua người đại diện theo các quy định pháp luật.

Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport)  tại 181 Nguyễn Huy Tưởng  (Thanh Xuân - Hà Nội).

Liên quan đến nội dung này, mới đây,  ông Lê Thanh Liêm - Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết: “Sắp tới Bộ sẽ ban hành kế hoạch triển khai liên quan đến KLTT trên. Mặc dù, hiện tại chưa ban hành kế hoạch nhưng Bộ đã triển khai mấy việc như kiện toàn người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty, thay 3 người mới. Còn những việc liên quan trực tiếp đến Công ty thì Công ty phải triển khai trong đó hơn chục nội dung và 7 nội dung chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra thì cơ quan điều tra sẽ tiếp nhận và xử lý. Hiện tại phía Công ty chưa có báo cáo thực hiện KLTT gửi lên Bộ. Mà việc này Công ty sẽ có báo cáo gửi trực tiếp lên Thanh tra Chính phủ, sau khi có báo cáo định kỳ thì Bộ sẽ có báo cáo tổng hợp chung”.

Đối với việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ VHTT&DL qua từng thời kỳ (giai đoạn từ năm 2007-2021) về những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm xảy ra Vinasport thì ông Lê Thanh Liêm cho biết: “Hiện Bộ đang triển khai quy trình, tiến hàng các bước để thực hiện”.

Cũng liên quan đến nội dung này, trả lời Phóng viên, Bộ VHTT&DL cho hay: “Trên cơ sở báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ, ngày 02/02/2023, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 430-CV/BCSĐ về việc thông báo nội dung Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 01/02/2023 của Ban Cán sự Đảng, theo đó đồng ý chủ trương: Không cử lại 03 Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam do không đủ điều kiện để cử lại đối với các ông/bà Nguyễn Ngọc Thạch, Dương Thị Thu Hường, Lê Hồng Nam; đồng thời cử mới 03 Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinasport.

Ngày 09/3/2023, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ đã ban hành Kế hoạch kiện toàn nhân sự Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam”.

Liên quan tới nội dung này, sau gần 1 tháng đặt lịch làm việc với Công ty Vinasport và nhiều lần liên hệ làm việc, mới đây bộ phận Phòng tổ chức - Hành chính của Vinasport cho hay: “Liên quan đến nội dung KLTT đối với Công ty và phần nào Công ty đã thực hiện rồi, còn lại tất cả nội dung liên quan đến Bộ VHTT&DL thì mời phóng viên lên Bộ VHTT&DL để làm việc chứ trên Bộ chưa chỉ đạo gì xuống Công ty nên Công ty không có sơ sở để làm việc với báo chí. Còn nội dung thực hiện KLTT của Công ty thì bọn em không đủ thẩm quyền trả lời báo chí, lãnh đạo đã chỉ đạo xuống em và các phòng ban là như thế”.

Một phần bên trong Vinasport tại 181 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân - Hà Nội).

Trước đó như Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) đã có một số bài viết phản ánh về những tồn tại, hạn chế, sai phạm xảy ra tại Bộ VHTT&DL và Vinasport được TTCP chỉ rõ trong thông báo KLTT về việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Vinasport và Bộ VHTT&DL.

Cụ thể như việc thực hiện công tác cổ phần hoá, trong đó việc chuyển doanh nghiệp nhà nước sang Công ty Cổ phần, việc cổ phần hoá Công ty Thể dục và Thể thao Việt Nam được thực hiện từ thời điểm trực thuộc Uỷ ban Thể dục thể thao. Tuy nhiên, Uỷ ban Thể dục thể thao vẫn chưa thực hiện việc kiểm tra, xác định lại giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là không đúng với nghị định liên quan của Chính phủ.

KLTT nêu rõ, thời điểm cổ phần hóa công ty chưa thực hiện việc nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Bộ Tài chính; khi cổ phần hóa không có phương án quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất; việc tổ chức bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần chưa thực hiện đúng khoản 2 Điều 48 Nghị định 109 ngày 26/6/2007 của Chính phủ.

Đối với việc thực hiện các quy định hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần, đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), Bộ VHTTDL vẫn chưa quyết toán giá trị doanh nghiệp phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức Vinasport chuyển sang công ty cổ phần; chưa quyết toán chi phí cổ phần hoá và quyết toán thuế, báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá; bàn giao Công ty Nhà nước sang công ty cổ phần.

Vinasport cũng chưa thực hiện việc nộp tiền thu từ cổ phần hoá về ngân sách Nhà nước; chưa thực hiện nộp số tiền cổ tức phải trả cho Nhà nước hơn 2 tỷ đồng.

Những vi phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật tại Vinasport, trong đó việc cử miễn nhiệm người đại diện. Theo TTCP, Bộ VHTTDL lựa chọn nhân sự để cử làm người đại diện không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí được ủy quyền làm người đại diện; Quyết định cử người đại diện không thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định; thục hiện chưa đầy đủ việc đánh giá người đại diện theo quy định.

Trong thời gian dài Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không có lương, không quy định cụ thể mức lương, không kịp trả lương cho người đại diện, để đơn thư, khiếu nại vượt cấp kéo dài…

Trách nhiệm những sai phạm trên thuộc về Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ. 

Ngoài ra, theo kết quả thanh tra, Vinasport vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, đối với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinasport từ năm 2007 đến tháng 6/2021 và việc quản lý hồ sơ kế toán. Từ năm 2007 đến 30/6/2021, doanh nghiệp chưa bảo toàn và phát triển vốn, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp để đảm bảo việc bảo toàn và phát triển vốn theo quy định.

Việc bàn giao hồ sơ, chứng từ, giải trình số liệu của người quản lý cũ cho người kế nhiệm không được thực hiện. Hồ sơ lưu trữ sổ kế toán chi tiết các năm từ 2007 đến 2017 không đầy đủ; không xác định được tính chính xác số dư đầu kỳ từ 01/01/2017; không có đủ hồ sơ kế toán liên quan đến số dư của một số khoản mục; không có cơ sở đối chiếu và đánh giá khả năng thu hồi công nợ. Trách nhiệm thuộc về Ban giám đốc, kế toán trưởng và người đại diện phần vốn nhà nước qua từng thời kỳ.

Một số nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Vinasport. Việc huy động vốn của Xí nghiệp sản xuất dụng cụ TDTT từ gia đoạn 2000-2010 với số tiền 5,6 tỷ đồng không xin ý kiến của HĐQT là vi phạm Điều lệ và quy chế tài chính của Vnasport. Việc không có các hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại Vinasport. Trách nhiệm thuộc về ông Trần Văn Chương - người trực tiếp huy động vốn, trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Bùi Duy nghĩa, kế toán tưởng Nguyễn Phi Hùng giai đoạn 2008 - 2009 và ông Trần Văn Chương - người trực tiếp quản lý.

KLTT còn chỉ ra việc kiểm kê hoàng hoá tồn kho và xuất đạn cho trung tâm huấn luyện TDTT Vĩnh Phúc là trái pháp luật, không có hợp đồng, không có khả năng thu hồi gây thất thoát số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Việc trả trước số tiền 150.000 EURO cho Hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu, là việc làm tuỳ tiện, cố ý làm trái quy định của nhà nước, không có khả năng thu hồi làm mất vốn của Vinasport.

Vệc mua bán phôi thép với Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc với số tiền gần 5 tỷ đồng không có khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport. Việc chuyển tiền cho công ty Nam Đô số tiền 1 tỷ đồng để “trả 1 phần tiền hợp đồng số 65 ngày 20/7/2012 về việc nhận chuyển nhượng 6.000m2 đất tại khu công nghiệp” dẫn đến việc không có khả năng thu hồi, có nguy cơ mất vốn của Vinasport.

Theo KLTT, đối với những khoản công nợ tạm ứng cá nhân chưa thu hồi, đến thời điểm 30/6/2021 các khoản tạm ứng cá nhân của 21 người với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra (tháng 11/2021), không có đủ chứng từ để hoàn tạm ứng và không có khả năng thu hồi… ngoài ra còn một số vi phạm khác đã được nêu trong KLTT.

Đối với những vi phạm sau thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo bộ qua từng thời kỳ (giai đoạn từ năm 2007-2021) về những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm xảy ra Vinasport.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý thay thế, kiện toàn người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport.

Tổng cục Thể dục thể thao kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể, cá nhân (thuộc Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam trước đây) đã để xảy ra tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm đã nêu trong kết luận…

Trước kiến nghị của TTCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ qua từng thời kỳ về những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Vinasport; thực hiện nghiêm các nội dung nêu tại KLTT.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội và các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện các kết luận, kiến nghị tại KLTT.

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an sai phạm tại Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam

Sau quá trình thanh tra, TTCP kiến nghị chuyển thông tin đến Bộ Công an để tiếp tục điều tra với những nội dung như: Thu hồi những khoản tiền thất thoát liên quan tới việc xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Vĩnh Phúc trái pháp luật, xuất khống không có hợp đồng, không có khả năng thu hồi gây thất thoát số tiền 1,4 tỉ đồng của Vinasport.

Trả trước số tiền 150.000 EURO cho Hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu, không có khả năng thu hồi làm mất vốn của Vinasport.

TTCP cũng đề nghị Bộ Công an điều tra một số nội dung liên quan đến các khoản công nợ phải thu và các hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trái quy định.

Trong đó có các khoản huy động vốn tại Xí nghiệp Sản xuất dụng cụ thể dục thể thao giai đoạn 2008-2010; khoản chi tiền cho Công ty Nam Đô số tiền 1 tỉ đồng mà không có khả năng thu hồi; các thông tin liên quan đến hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trái quy định đối với hợp đồng với Công ty HBI.

Thêm vào đó, thông tin về việc phá dỡ tài sản là nhà xưởng tại 181 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) để hợp tác đầu tư nhưng không được thực hiện gây thiệt hại tài sản Nhà nước gần 7,5 tỷ đồng và việc mua bán phôi thép với Công ty TNHH An Việt Úc không có khả năng thu hồi, làm mất vốn với số tiền gần 5,9 tỷ đồng cũng đã được chuyển đến Bộ Công an để tiếp tục điều tra.
 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.

Như Trường - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/dien-bien-moi-nhat-lien-quan-khac-phuc-sai-pham-tai-cong-ty-vinasport-d194948.html